Tổng thống Trump có bài phát biểu tại hội nghị cấp cao APEC. Ông liên tục nhắc tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bắc Kinh khẳng định không cảm thấy bị đe dọa bởi cách gọi khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới được ông Trump sử dụng.
Tổng thống Trump và phu nhân tới thăm Trung Quốc. Ảnh minh họa: SCMP.
"Dựa vào quan sát của tôi, không có nhiều cuộc thảo luận về đề tài này trong cuộc gặp, đơn giản vì đó là cuộc họp của các lãnh đạo nền kinh tế APEC. Mọi bên tham gia đều tập trung vào các vấn đề phát triển châu Á - Thái Bình Dương. Tổng thống Trump không khẳng định nó nhắm tới Trung Quốc, vì vậy không có lý do gì để tin rằng khái niệm này đang nhắm vào Trung Quốc", Reuters dẫn lời Vụ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế quốc tế của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Jun.
Ông khẳng định Bắc Kinh cần tìm hiểu thêm để hiểu rõ khái niệm mới của Washington.
Trong nhiều thập kỷ qua, khu vực đại dương và lục địa trải dài từ Australia đến Ấn Độ được Mỹ gọi là "châu Á - Thái Bình Dương". Bằng cách dùng "Ấn Độ - Thái Bình Dương", Mỹ muốn nêu ý tưởng về một khu vực trải rộng hơn chỉ là Trung Quốc và các nền kinh tế đang lên ở Đông Á.
Các quan chức Mỹ liên tục sử dụng khái niệm mới này trong thời gian gần đây. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R. McMaster nhắc "Ấn Độ - Thái Bình Dương" nhiều lần khi mô tả chuyến công du của ông Trump với báo giới hôm 2/11. Ông nói Tổng thống Trump "đã có 43 cuộc điện đàm với các lãnh đạo Ấn Độ - Thái Bình Dương kể từ khi nhậm chức". Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, khi nói về quan hệ chiến lược với Ấn Độ hồi tháng 10, dùng "Ấn Độ - Thái Bình Dương" 15 lần trong bài phát biểu.
Trong bài phát biểu tại hội nghị cấp cao APEC trước các lãnh đạo nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam, Tổng thống Trump cũng liên tục nhắc tới khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của Ấn Độ.
"Dù chiến lược đó là gì đi nữa, nó cần cởi mở và thể hiện sự bình đẳng, phục vụ lợi ích chung và tôn trọng lẫn nhau, thay vì chỉ đáp ứng mục đích và lợi ích của một nhóm nhỏ các quốc gia. Tôi muốn nhấn mạnh đây là cuộc họp APEC, trọng tâm chính của chúng ta là hợp tác châu Á - Thái Bình Dương", ông Zhang Jun cho biết.
Trung Quốc đang phát triển "Sáng kiến Vành đai và Con đường", kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ để kết nối châu Á với châu Âu, tương tự Con đường tơ lụa trước kia. Bắc Kinh khẳng định đây là dự án phát triển vì sự thịnh vượng chung và chào đón mọi quốc gia. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng đây là ý tưởng nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.