Vietbf.com - Đây chính là quần đảo "thiên đường" Caribbean đã từng hút khách du lịch bậc nhất thế giới, khiến không ai ngờ quần đảo Caribbean có vẻ tuyệt mĩ vốn có, lại tạo nên một khung cảnh không hề bắt mắt như đang bị những cồn rác trôi nổi trên mặt biển.
Quần đảo Caribbean được nhiều biết đến với danh xưng" thiên đường du lịch" nhờ sở hữu những bãi cát trắng trải dài như vô tận, nước biển trong suốt tựa pha lê, bầu không khí dễ chịu cùng khung cảnh đậm chất hoang sơ.
Tuy nhiên, nữ nhiếp ảnh gia Caroline Power lại chia sẻ trên trang Facebook cá nhân các bức hình trái ngược với miêu tả tuyệt vời ấy. Cô khẳng định vùng biển này đang chịu sự tác động kinh khủng do hoạt động thường ngày của con người gây ra, dẫn tới việc bị ô nhiễm trầm trọng.
Rác thải ngập ngụa trên mặt biển ngoài khơi Honduras.
Ngồi du thuyền ra ngoài khơi Honduras, cô Power đã chứng kiến hàng loạt "cồn rác" cấu tạo chủ yếu từ nhựa và xốp phế thải đang trôi nổi trên vùng biển nằm giữa hai hòn đảo Roatan và Cayos Cochinos.
"Khi ngồi du thuyền tới Khu dự trữ Hải dương Cayos Cochinos - một trong những điểm lặn nguyên sơ nhất tại quần đảo Caribbean, chúng tôi phát hiện thêm hàng loạt ‘cồn rác’ đang trôi dạt suốt chiều rộng gần 8km.
Đó là đống túi nhựa với đủ mọi hình dáng và kích thước, sản phẩm nhựa dùng một lần như thìa, dĩa, chai nước hay thậm chí là dép tông bằng xốp. Ngoài ra, trên một vùng biển rộng tầm 3km khác, chúng tôi còn nhìn thấy cả dải rác thải chạy ngang đường chân trời".
Đa phần rác thải là túi nhựa không thể phân hủy, các sản phẩm nhựa dùng một lần và dép tông bằng xốp.
Nữ nhiếp ảnh gia cho biết, cô cảm thấy rất buồn khi nhiều loài rùa, cá và chim sống trên biển sẽ tưởng nhầm những thứ rác thải không thể phân hủy là thức ăn của mình.
"Chúng đang phải chết dần, chết mòn bởi rác thải độc hại mà con người vứt ra môi trường. Để giải quyết tình trạng này, chính phủ nên cải thiện các vấn đề liên quan tới việc quản lý rác thải cũng như quy trình tái chế nó trên quy mô toàn cầu".
Dải rác thải chạy dài trên suốt chiều rộng gần 8km.
Theo tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường biển Blue Planet Society thì nhiều khả năng những "cồn rác" trên được bắt nguồn từ dòng sông Motagua của Guatemala, rồi bị trôi dạt ra vùng biển Honduras sau các trận mưa lớn.
Phát ngôn viên thuộc tổ chức này nhấn mạnh: "Chúng tôi từng chứng kiến rất nhiều hình ảnh gây sốc về sự hủy hoại môi trường do hoạt động thường ngày của con người gây ra. Và đây là một trong những hình ảnh tồi tệ nhất trong số đó.
Đồng thời, việc rác thải từ dòng sông Motagua của Guatemala gây ô nhiễm cho vùng biển Honduras không phải là một vấn đề mới đối với các nhà bảo vệ môi trường tại đây".
Rác thải trôi nổi trên mặt biển, phá vỡ khung cảnh tuyệt mĩ vốn có của quần đảo Carribbean.
Do điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn cũng như chưa được giáo dục đầy đủ về vấn đề bảo vệ môi trường nên rất nhiều người dân, đặc biệt là các cộng đồng nghèo thường lựa chọn đốt rác thải sinh hoạt hoặc quẳng luôn xuống sông khiến chúng bị trôi dạt ra ngoài khơi.
Trước thực trạng đáng báo động như vậy, nếu con người không chịu thay đổi những thói quen chưa tốt của bản thân để bảo vệ môi trường thì sẽ có ngày biển cả chứa nhiều rác thải nhựa hơn là tôm cá.