Triều Tiên đang đe dọa thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương. Giới chuyên gia cảnh báo hậu quả sẽ rất khó lường nếu điều đó xảy ra. Nơi nào sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất vì có nguy cơ lan truyền phóng xạ trên diện rộng.
Một vụ thử tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Hãng tin Yonhap dẫn lời Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho ngày 22/9 cho biết, Triều Tiên có thể tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương để đáp trả những đe dọa của Mỹ.
Trong khi nhiều người tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này, một số chuyên gia cho rằng, với tốc độ phát triển chương trình tên lửa và hạt nhân như hiện nay của Bình Nhưỡng, lời đe dọa đó cũng cần được xem xét nghiêm túc.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu Triều Tiên thực sự tiến hành một vụ thử bom nhiệt hạch ở Thái Bình Dương, hậu quả sẽ rất khó lường, trong đó có nguy cơ lan truyền phóng xạ.
Vậy nơi nào sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu kịch bản đó xảy ra.
Hãng tin Sputnik dẫn nhận định của ông Alexei Kokorin, lãnh đạo Chương trình khí hậu của Quỹ Động vật Hoang dã thế giới (WWF) Nga, cho biết: "Mưa phóng xạ có thể diễn ra trên tất cả các châu lục nhưng đặc biệt là ở Nhật Bản và vùng biển Nhật Bản vì khối không khí chính đi từ tây sang đông".
Cũng theo chuyên gia này, sự lan truyền của phóng xạ còn phụ thuộc vào hướng gió và dòng chảy. "Nó sẽ bay vòng quanh thế giới, toàn bộ Bắc bán cầu và sau đó thâm nhập Nam bán cầu. Chúng ta có thể nhớ đến trường hợp Chernobyl mặc dù khi đó không xảy ra vụ nổ hạt nhân. Bụi phóng xạ tuy không nhiều nhưng ghi được ở hầu hết các nơi trên thế giới", Sputnik dẫn lời chuyên gia Kokorin.
Kathryn Higley, Hiệu trưởng trường Khoa học kỹ thuật về hạt nhân thuộc Đại học Oregon, nhận định, nguy cơ rò rỉ phóng xạ tự một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên rất khó đoán định. "Nó phụ thuộc vào kích thước của loại vũ khí và việc nó được kích nổ trên không, trong môi trường nước hay trên mặt đất". Cũng theo chuyên gia này, trong khi có thể đo đạc được mức độ phóng xạ thì không thể đo đạc mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân ở khu vực xung quanh.
Theo ước tính của trang mạng NUKEMAP, một quả bom nhiệt hạch với đương lượng nổ 100 kiloton nếu được kích hoạt sẽ giết chết mọi sinh vật trong bán kính 500m, và gây bỏng cấp độ 3 trong bán kính 4km.
Về lý thuyết, trong một cuộc thử nghiệm, bom nhiệt hạch sẽ được kích nổ ở một độ cao đủ lớn để không ảnh hưởng tới người dân sinh sống phía dưới. Tuy nhiên, nếu quả bom của Triều Tiên không phát nổ ở độ cao an toàn như dự kiến ban đầu, thì điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ quả khó lường.
“Rất nhiều sai lầm có thể xảy ra trong quá trình phóng tên lửa. Nếu đầu đạn không nổ chính xác ở nơi mà bạn muốn nó nổ, hoặc nếu bạn phóng ở tầm thấp, thì rất nhiều phóng xạ sẽ bị lan truyền ra ngoài. Điều đáng lo ngại là nếu tên lửa đi chệch hướng và đầu đạn rơi xuống đất, bất kỳ mẩu đất nào tiếp xúc với nó cũng sẽ bị nhiễm phóng xạ”, chuyên gia hạt nhân Vipin Narang tại Viện Công nghệ Massachusetts nói với NBC.
VietBF © sưu tập