VBF-Nhiều hoang mang xen lẫn kinh ngạc trước phát ngôn mới nhất của TT Trump với người Hàn Quốc nói riêng. Họ còn lo ngại đó chỉ là lời lừa bịp. Chính lời lẽ này lại làm nhiều người hoài nghi có thực sự quân sự Mỹ mạnh vậy hay không.
Lời đe dọa hủy diệt Triều Tiên của Tổng thống Mỹ đang khiến nhiều người Hàn Quốc hoang mang xen lẫn kinh ngạc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/9 phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters.
Liệu đó có phải một lời lừa bịp? Một cảnh báo rằng Washington sẽ bắn rơi tên lửa Triều Tiên trong lần thử tiếp theo? Một sự tái khẳng định chính sách trước đây? Hay nó chính xác là một lời đe dọa hủy diệt trực diện từ Tổng thống Mỹ?
Các quan chức và chuyên gia trên khắp châu Á đều đang hoang mang trước lời tuyên bố từ Tổng thống Mỹ Donald Trump trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 19/9 rằng Mỹ có thể sẽ "hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên" nếu bị kích động, theo AP.
Tại một khu vực như châu Á, nơi mà tham vọng theo đuổi vũ khí hạt nhân không có điểm dừng của Triều Tiên luôn gieo tâm lý lo âu, phát biểu từ Tổng thống Mỹ thực sự gây chú ý.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ca ngợi bài phát biểu là bằng chứng cho thấy "vị thế vững chắc và rõ ràng" của Mỹ "trước những vấn đề quan trọng mà cộng đồng quốc tế và Liên Hợp Quốc đang đối mặt nhằm bảo đảm hòa bình và an toàn".
Tuy nhiên, các chính trị gia nước này lo ngại ngôn từ của ông Trump dường như cho thấy Seoul đang đánh mất dần ảnh hưởng. Trump từng đe dọa trút "lửa giận" lên Triều Tiên. Để đáp trả, Bình Nhưỡng tiến hành hàng loạt cuộc thử nghiệm vũ khí, bao gồm vụ thử hạt nhân lần 6 hồi đầu tháng 9 và hai lần phóng tên lửa qua Nhật Bản, đồng minh với Mỹ.
Phát ngôn viên của Tổng thống Hàn Quốc cho biết bình luận từ ông Trump đã "tái khẳng định sự cần thiết của việc gia tăng tối đa trừng phạt và áp lực nhằm chống lại hành vi khiêu khích bằng tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên", qua đó khiến Bình Nhưỡng nhận ra rằng từ bỏ vũ khí hạt nhân là con đường duy nhất hướng tới tương lai.
Song theo Marcus Noland, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế ở Washington, lời lẽ hăm dọa từ Tổng thống Trump sẽ càng củng cố thêm cho những cáo buộc lâu nay của Triều Tiên rằng Mỹ là nguồn cơn gây bất ổn và nguy hiểm.
"Với những lời lẽ như thế, Tổng thống Trump đã trao cho chính quyền ông Kim Jong-un cái cớ tuyệt vời. Nó chắc chắn sẽ được kênh truyền hình nhà nước Triều Tiên liên tục đưa lại", Noland nhận định.
Các vụ thử nghiệm vũ khí thường xuyên là một phần trong nỗ lực của Triều Tiên nhằm xây dựng kho tên lửa hạt nhân có khả năng đe dọa binh sĩ Mỹ trên khắp châu Á cũng như tại đất liền Mỹ. Bình Nhưỡng hồi tháng 7 hai lần phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và khẳng định chúng có thể bắn chính xác tới lục địa Mỹ. Dù vậy, các chuyên gia bên ngoài nhận định Triều Tiên vẫn cần thực hiện thêm nhiều vụ thử nghiệm nữa để hoàn thiện vũ khí. Mỗi vụ thử nghiệm sẽ đưa họ tiến gần hơn đến mục tiêu.
Không ít chính trị gia đối lập Hàn Quốc lại nhìn nhận các phát biểu của Tổng thống Trump là một dấu hiệu khác cho thấy Hàn Quốc đang mất dần tiếng nói trong nỗ lực quốc tế nhằm xử lý khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên.
Bài phát biểu từ Tổng thống Trump được đưa ra vài ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis gây hoang mang trên khắp Hàn Quốc với tuyên bố Mỹ có sẵn các lựa chọn quân sự đối với Triều Tiên mà không khiến Seoul bị hủy diệt. Thủ đô Hàn Quốc nằm gọn trong tầm bắn của đội pháo binh hùng hậu mà Triều Tiên bố trí dọc biên giới. Nếu chiến tranh bùng nổ, Seoul chắc chắn là mục tiêu hàng đầu Bình Nhưỡng muốn nhắm tới.
Kim Su-min, nhà lập pháp thuộc đảng Nhân dân Hàn Quốc, còn lo ngại về việc giới chức nước này không được Washington thông báo bất cứ điều gì trước những phát biểu của ông Mattis và ông Trump.
"Chính phủ nên xem xét lại một cách toàn diện chính sách ngoại giao và hệ thống an ninh quốc gia và làm điều đó tốt nhất có thể để lập trường của chúng ta trước những vấn đề quan trọng liên quan đến vận mệnh đất nước cũng như tính mạng người dân không bị phớt lờ", ông nhấn mạnh.
Những biện pháp ngoại giao nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân Triều Tiên vẫn được duy trì suốt nhiều năm qua. Song Bình Nhưỡng đã đạt vô số bước tiến đáng kể trong nỗ lực phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng bắn tới mọi địa điểm trên thế giới. Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục thúc giục Trung Quốc tác động tới Triều Tiên nhiều hơn. Nhưng đến nay, Bắc Kinh vẫn bị cho rằng chỉ đáp lại chúng một cách hời hợt.
Một chuyên gia Trung Quốc nghiên cứu về Triều Tiên tỏ ra ngạc nhiên trước bài phát biểu từ người đứng đầu Nhà Trắng. Theo ông, "thông điệp của Tổng thống Trump chứa đầy sức mạnh quân sự".
Theo Cheng Xiaohe từ Đại học Nhân dân Trung Quốc, bài phát biểu phát đi tín hiệu rằng "nếu Triều Tiên tiếp tục tiến hành thử tên lửa, Mỹ có thể sẽ ngăn chặn".
Andrei Lankov, chuyên gia Triều Tiên tại Đại học Kookmin, Hàn Quốc, nhận xét những lời đe dọa từ Tổng thống Trump chính là bản sao của chiến thuật hăm dọa mà Triều Tiên đã áp dụng suốt hàng thập kỷ qua.
"Thật buồn cười khi chứng kiến Tổng thống Mỹ hành xử và sử dụng ngôn từ giống hệt như cách mà Triều Tiên đã dùng hàng chục năm nay", Lankov nói.
Theo Lankov, tuyên bố mà không thực hiện sẽ chỉ khiến hình ảnh của Mỹ suy yếu trên trường quốc tế. "Nó làm mất đi sức ảnh hưởng trong những lời đe dọa mà Mỹ đưa ra", ông bình luận.