Lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc không làm ảnh hưởng tới Triều Tiên. Nước này có nhiều cách lách lệnh trừng phạt này. Giới phân tích cho rằng các lệnh cấm vận khó lòng chấm dứt chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, khi họ đang áp dụng nhiều cách lách luật.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại một đơn vị tên lửa đạn đạo
Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc ngày 11/9 thông qua nghị quyết trừng phạt Triều Tiên, đáp trả việc nước này thử hạt nhân lần 6 hồi đầu tháng. Lệnh trừng phạt bao gồm cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may, hạn chế nhập khẩu các sản phẩm từ dầu mỏ, cấm các nước sử dụng lao động Triều Tiên.
Đây được coi là lệnh cấm vận mạnh tay nhất từng áp đặt lên Triều Tiên. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia thuộc HĐBA tỏ ý nghi ngờ hiệu quả của biện pháp trừng phạt. Trong báo cáo điều tra "S/2017/742", họ cho rằng các lệnh cấm vận không thể chấm dứt chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng vì nước này vẫn áp dụng hàng loạt biện pháp lách luật, theo SCMP.
Đổi hàng
Triều Tiên bán than đá và các khoáng sản khác để đổi lấy những hàng hóa nước này cần, bao gồm cả linh kiện tên lửa và đồ xa xỉ. Các giao dịch hàng đổi hàng khó bị theo dõi, tránh nguy cơ dòng tiền bị truy dấu vết và đóng băng.
Hồi cuối năm ngoái, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua lệnh giới hạn xuất khẩu than của Triều Tiên, gây ảnh hưởng lớn tới nguồn thu của nước này. Một lệnh cấm vận khác được đưa ra trong tháng 8 nhằm cấm mua bán than với Bình Nhưỡng, nhưng không gây ảnh hưởng tới việc mua dầu mỏ với số lượng lớn.
Triều Tiên có thể dùng hàng đổi hàng trực tiếp
Bộ Tài chính Mỹ cho rằng doanh nhân Trung Quốc Chi Yupeng đã lợi dụng công ty vật liệu kim loại Dandong Zhicheng để mua các sản phẩm thép và than cốc từ Triều Tiên. Đổi lại Bình Nhưỡng nhận được nhiều linh kiện hạt nhân và tên lửa đạn đạo để hỗ trợ cho chương trình phát triển vũ khí.
Buôn lậu
Nhiều tàu buôn lậu từ các quốc gia như Trung Quốc sẽ tắt thiết bị thu phát tín hiệu nhận dạng khi đi vào vùng biển Triều Tiên, sau đó cập cảng và mang hàng hóa tới nước thứ ba như Nga. Tại đây, họ sẽ khai đó là hàng hóa có nguồn gốc từ nước sở tại để hợp thức hóa.
Những tàu chở than Triều Tiên thường đậu trong cảng một thời gian rồi tới Trung Quốc, hoặc chuyển hàng sang một tàu khác và chuyển về nước.
Giả mạo tài liệu đăng ký hàng hóa
Bình Nhưỡng đăng ký số lượng lớn tàu biển cho lực lượng vận tải nội địa, gồm cả những tàu mang quốc tịch nước ngoài. 18 trong 21 tàu vận tải thuộc Công ty quản lý hàng hải (OMMC) nằm trong nhóm chỉ hoạt động trong lãnh hải Triều Tiên, dù chúng thường xuyên xuất hiện tại các vùng biển quốc tế.
Một tàu vận tải trong biên chế của OMMC.
Điều này giúp tàu Triều Tiên không bị khám xét bởi các cơ quan giám sát quốc tế. Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy OMMC đã đổi tên và tái đăng ký một số tàu vận tải, sau đó dùng tài liệu giả để trang bị cho 8 chiếc khác.
Nguồn thu từ xuất khẩu lao động
Chính phủ Mỹ cho rằng có gần 100.000 người Triều Tiên đang làm việc khắp thế giới, tạo ra nguồn thu khoảng 500 triệu USD mỗi năm cho Bình Nhưỡng. Nhóm công ty xây dựng mang tên "Dự án nước ngoài Mansudae" (MOP) là một trong những đơn vị mang lại nhiều tiền nhất cho Triều Tiên.
MOP phụ trách hàng loạt dự án xây dựng ở nước ngoài với nguồn nhân công từ Triều Tiên. Họ cũng sang tên một số dự án và nguồn nhân lực cho các công ty Trung Quốc để thu về ngoại tệ. Điều đó khiến lực lượng lao động Triều Tiên ở nước ngoài trở thành mục tiêu của lệnh trừng phạt mới nhất.
Chỉnh sửa trang bị không chịu cấm vận cho mục đích quân sự
Trong những bức ảnh được công bố sau vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 hôm 4/7, quả đạn được chở ra bãi phóng trên một xe tải 16 bánh cỡ lớn. Xe tải này sau đó sử dụng hệ thống nâng thủy lực để dựng tên lửa đứng thẳng trên mặt đất trước khi khai hỏa.
Đây là lần đầu tiên loại xe tải này xuất hiện trong một nhiệm vụ quân sự công khai của Triều Tiên, dù Bình Nhưỡng chưa đủ khả năng để tự chế tạo một phương tiện vận chuyển quân sự cỡ lớn như vậy, đặc biệt là trong bối cảnh Liên Hợp Quốc đã cấm việc bán khí tài quân sự cho Triều Tiên từ năm 2006.
Trước đó, tên lửa đạn đạo như Pukguksong-1 cũng xuất hiện trong các cuộc duyệt binh trên xe tải mang thương hiệu "Sinotruk". Đây là một trong những nhà sản xuất xe tải lớn nhất của chính phủ Trung Quốc. Việc xe tải hạng nặng lưỡng dụng được dùng vào mục đích quân sự cho thấy những khó khăn trong việc áp đặt lệnh cấm vận kiềm chế Bình Nhưỡng.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2013 cho biết Triều Tiên đã nhập khẩu loại xe tải chở gỗ này từ Trung Quốc, sau khi Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố sẽ chỉ dùng chúng cho mục đích dân sự. Sinotruk khẳng định hợp đồng mua bán quy định "bên mua bảo đảm xe tải chỉ được dùng cho mục đích dân sự, đáp ứng các điều khoản trong luật pháp Trung Quốc và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an".
Doanh nghiệp bình phong
Bình Nhưỡng thường lập tài khoản ngân hàng cho các công ty bình phong ở nước ngoài để tích trữ ngoại tệ. Các nhà ngoại giao Triều Tiên ở nước ngoài cũng có thể mở tài khoản ngân hàng đứng tên mình hoặc thành viên gia đình. Điều này làm giảm nguy cơ giao dịch trực tiếp với ngân hàng tại Triều Tiên bị phát hiện.
Glocom, nhà sản xuất thiết bị liên lạc quân sự của Triều Tiên, vận hành nhiều công ty bình phong ở Singapore, Malaysia và Hong Kong để thanh toán cho khách hàng và nhà cung cấp thiết bị. Mỗi hóa đơn được chia thành nhiều khoản tiền nhỏ, khó bị để ý và theo dõi.
Bộ Tài chính Mỹ cho rằng Kim Chol-san, đại diện ngân hàng Daedong tại Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong giải pháp này của Triều Tiên. Kim đã lập ít nhất 8 tài khoản tại Trung Quốc và Hong Kong, sử dụng chúng để giao dịch hàng triệu USD cho chính phủ Triều Tiên.
Mua bán vũ khí
Bình Nhưỡng bị cáo buộc liên tục bán vũ khí và huấn luyện quân sự cho nước ngoài, đặc biệt là tại khu vực châu Phi và Trung Đông, bất chấp lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.
Các nhà điều tra Liên Hợp Quốc cho rằng khách hàng chủ yếu của Triều Tiên gồm Congo, Eritrea, Mozambique, Namibia, Syria, Uganda và Tanzania. Một số nước khác như Mali và Zimbabwe cũng nằm trong diện nghi vấn.