VBF-Hãy chú ý vận động nhiều hơn, đừng ngồi một chỗ quá lâu. Thông điệp này vẫn luôn phải nhắc nhở mọi người. Có đến 40% người ngồi lâu sẽ mắc bệnh tiểu đường, 15% nguy cơ tử vong sớm... Hãy cùng theo dõi ngay các hiểm họa từ việc ngồi lâu một chỗ.
(Getty Images)
Một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy thời gian ngồi và xem TV trong khoảng thời gian lâu sẽ ảnh hưởng đến việc vận động sau này.
Cuộc nghiên cứu đã theo dõi một nhóm người khỏe mạnh trong độ tuổi từ 50 đến 71 trong 10 năm. Vào cuối cuộc nghiên cứu, kết quả cho thấy những người thường ngồi xem TV từ năm tiếng trở lên mỗi ngày, khi lớn tuổi họ sẽ rất khó khăn trong vận động, di chuyển hơn là người ngồi xem TV ít hơn hai tiếng/ngày, bất kể mức độ về hoạt động thể chất của họ như thế nào. Tỷ lệ cao hơn giữa hai nhóm người được nghiên cứu này lên tới 65%.
Những người có ba giờ mỗi tuần hoặc ít hoạt động thể chất cũng có nhiều khả năng gặp khó khăn về vận động, di chuyển khi họ vào giai đoạn cuối của cuộc nghiên cứu kéo dài 10 năm này.
Giáo sư Loretta DiPietro, tác giả chính của nghiên cứu từ Đại Học George Washington, nói, "Ngồi và xem TV trong thời gian dài (đặc biệt vào buổi tối) là một trong những điều nguy hiểm nhất mà người già thường hay làm."
Nghiên cứu này được đưa ra một tuần sau khi Bộ Y Tế Anh tuyên bố nước này đang phải đối phó với tình trạng gây sốc liên quan đến hoạt động đi đứng vận động của người dân xứ này.
Cuộc khảo sát cho thấy, hơn sáu triệu người Anh ở độ tuổi trung niên không thể nào đi bộ trong vòng 10 phút.
Tiến sĩ James Brown thuộc Đại học Aston và là ủy viên của Hiệp Hội Nghiên Cứu Người Cao Niên Anh cho biết, "Khi ít vận động, chúng ta càng ít sử dụng cơ bắp, điều này trở nên tệ hơn ở tuổi về già.” Tiến sĩ Brown nói với Daily Mirror về việc dùng bắp thịt, "Thông điệp then chốt là DÙNG NÓ HOẶC SẼ MẤT NÓ!
Ông cũng khuyên mọi người đừng ngồi quá lâu một chỗ, mà thỉnh thoảng phải đứng lên đi-lại, tốt nhất mỗi ngày nên tập đi với tốc độ nhanh trong vòng 10 phút. Điều này rất tốt, nhất là cho người lớn tuổi để giúp máu bơm được tới não, nhằm cải thiện sức khỏe.
Các cuộc nghiên cứu cho thấy rằng bất cứ ai có ít nhất 10 phút đi bộ với cường độ nhanh có thể giảm 15% nguy cơ tử vong sớm, 40% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, 35% giảm nguy cơ gặp vấn đề về tim và 30% ít bị sa sút trí tuệ.
Một cuộc nghiên cứu tương tự trước đây, được thực hiện ở Nhật Bản, trên 80,000 người độ tuổi từ 40-79 tuổi, và được theo dõi trong gần 18 năm. Căn cứ vào thời gian xem TV mỗi ngày chia họ làm ba nhóm: Dưới 2.5 tiếng, từ 2.5 đến 4.9 tiếng và từ 5 tiếng trở lên. Đồng thời căn cứ vào cả tuổi tác, giới tính, tiền sử bệnh tật, hút thuốc, uống rượu, thỏi quen vận động, để phân tích nguy cơ bị tắc mạch phổi của những người này.
Trong quá trình nghiên cứu, có tổng cộng 59 người bị tử vong do tắc mạch phổi. Nghiên cứu phát hiện, bình quân mỗi ngày xem TV quá 5 tiếng, thì nguy cơ tử vong cao hơn gấp 5 lần so với xem TV ít hơn 2.5 tiếng. Nguy cơ này cao gấp 3 lần đối với người xem TV từ 2.5 đến 4.9 tiếng. Tổ chức y tế thế giới báo cáo, hàng năm có hơn 2 triệu người vì ngồi bất động lâu mà tử vong.
Vì sao xem TV nhiều lại sẽ làm tăng khả năng bị tắc mạch phổi. Nhà nghiên cứu Bạch Xuyên Triệt thuộc Sở Nghiên Cứu Y Tế Cộng Đồng Đại Học Y Học Xã Hội Osaka cho biết, “Tắc mạch phổi là do cục máu đông tới mạch máu phổi gây tắc mà tạo thành, mà cục máu đông này thường hình thành tại mạch máu chân.”
Khi xem TV thông thường người ta sẽ ngồi lâu bất động, dẫn đến tắc nghẽn mạch máu chân, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tắc mạch phổi.
Lời cảnh báo này cũng đáng được giới làm công việc hành chánh quan tâm, khi do tính chất công việc họ phải ngồi trước máy vi tính hay dùng smartphone hàng giờ liền. Những người như vậy không loại trừ khả năng có nguy cơ bị tắc mạch phổi tương tự như xem TV. Do đó bất kể là xem TV, dùng máy tính hoặc là vì công tác phải ngồi nhiều, bạn phải phải nhớ thường xuyên đứng dậy hoạt động gân cốt một chút, đồng thời bổ sung nhiều nước, để đề phòng máu bị cô đặc.
(Theo Daily Mirror, Epochtimes)