Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 và bom nhiệt hạch gây rúng động toàn thế giới. Tuy nhiên, dân Trung Quốc ở biên giới lại không lo âu. Họ vẫn duy trì nhịp sống như thường lệ mặc dù cảm thấy rung lắc từ vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên.
Khách du lịch đứng trên đài quan sát tại khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên tháng 3/2017
Tại trung tâm thương mại cao cấp của thành phố Diên Cát, nằm gần biên giới Trung Quốc và Triều Tiên, sáng 3/9, hàng quán, cửa hiệu vẫn nhộn nhịp, đông đúc. Dòng người đi mua sắm ngày cuối tuần đổ xô về quầy bốc thăm trúng thưởng của một thương hiệu xe hơi và hãng điện tử nổi tiếng, Reuters đưa tin.
"Lúc đó, tất cả mọi người đều chạy ra khỏi nhà. Chúng tôi không hay biết chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi nghĩ có thể là một trận động đất", ông Bai Jin, ngồi ở khu vực ngoài trời với cháu trai, cho hay.
Hôm 3/9, Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch và gọi đó là "thành công hoàn hảo", đồng thời cho biết không có chất phóng xạ bị rò rỉ.
"Tôi không nghĩ về ảnh hưởng phóng xạ có thể xảy ra. Các vụ thử đều tiến hành dưới lòng đất mà", ông Bai nói tiếp.
Nhưng Cơ quan An toàn Hạt nhân của Trung Quốc thông báo đã khởi động quy trình giám sát phóng xạ khẩn cấp dọc khu vực biên giới. Hội đồng An ninh và An toàn Hạt nhân của Hàn Quốc cũng đang kiểm tra.
Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ghi nhận một vụ động đất với rung chấn mạnh 6,3 độ Richter xảy ra vào lúc 12h29 gần bãi thử hạt nhân Punggye-ri, ở phía đông bắc Triều Tiên.
Các chuyên gia khí tượng Nhật Bản và Hàn Quốc nhận định sức mạnh của vụ thử này gấp 10 lần các vụ nổ hạt nhân trước kia của Bình Nhưỡng. Trung Quốc ghi nhận trận động đất thứ hai mạnh 4,6 độ Richter xảy ra không lâu sau trận thứ nhất.
Michael Spavor, giám đốc chương trình trao đổi văn hóa Paektu, tổ chức xúc tiến quan hệ thương mại và văn hóa với Triều Tiên, kể khi đang ngồi ăn bữa sáng muộn thì ông cảm nhận thấy rung lắc khoảng 5 giây. Ngay sau đó, tiếng còi báo động phòng không vang lên.
Thành phố Diên Cát, với dân số 400.000 người, cách địa điểm thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên khoảng 200km về hướng bắc, trở thành điểm nóng trong thời gian gần đây sau một loạt các vụ phóng tên lửa và thử hạt nhân Bình Nhưỡng thực hiện.
Trung Quốc, có đường biên giới dài 1.420 km với Triều Tiên, là đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Đa phần các sản phẩm xuất khẩu từ Triều Tiên, như than đá, quặng sắt và hải sản, đều bán cho Trung Quốc.
"Tôi khá lo lắng về vấn đề nhiễm phóng xạ bởi vì nhiều thực phẩm của chúng tôi nhập khẩu từ Triều Tiên. Chúng tôi từng ăn rất nhiều hải sản có nguồn gốc từ Triều Tiên. Nhưng gần đây thì dừng rồi", Wu Tingting, làm việc tại khu nghỉ dưỡng địa phương, cho biết.
Tháng trước, Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã áp đặt lệnh trừng phạt mới lên Triều Tiên, cấm nước này xuất khẩu than, sắt, quặng sắt, chì, quặng chì và hải sản. Dự kiến, các biện pháp trừng phạt này có thể khiến kim ngạch xuất khẩu của Triều Tiên, hiện ở mức 3 tỷ USD mỗi năm, giảm 1/3.
Tuy nhiên, đa số người dân Diên Cát, vốn đã quen với sự hiện diện quân sự ở vùng biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên, cảm thấy không có gì bất thường.
"Tôi không quá lo lắng. Tôi nghĩ là Trung Quốc và Triều Tiên có mối quan hệ khá tốt đẹp", anh Wu chia sẻ quan điểm.
Huang Tao, làm việc tại một công ty nhà nước có chi nhánh ở Diên Cát, biết về vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên vào hôm 3/9 khi một người bạn đăng lên mạng xã hội WeChat kèm theo lời bình luận rằng thời điểm của vụ thử trùng đúng vào dịp Trung Quốc kỷ niệm 72 năm ngày Nhật Bản đầu hàng trong Thế Chiến II.
"Lãnh đạo Kim (Jong-un) chỉ đang giúp chúng tôi ăn mừng dịp này bằng cách đốt vài quả pháo thôi", Huang Tao nói. "Hôm nay là một ngày chủ nhật bình thường ở Diên Cát. Một vụ thử hạt nhân không làm thay đổi điều gì cả".