Việt Nam đã lên tiếng sau khi báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra. Theo đó thì VN đã chỉ trích và cho rằng báo cáo này sai lầm trong việc đưa ra nhận định về tự do tôn giáo ở VN.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng.
“Chúng tôi ghi nhận Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2016 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã có một số điều chỉnh sát với tình hình thực tế ở Việt Nam.
“Song đáng tiếc, Báo cáo vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói tại buổi họp báo định kỳ tại Hà Nội.
Bà Lê Thị Thu Hằng mô tả “chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng” của Nhà nước Việt Nam đã “tạo nên một đời sống tôn giáo, tín ngưỡng hết sức phong phú, sinh động.”
Phúc trình về tình hình tự do tôn giáo trên thế giới Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tuần này nói chính phủ Việt Nam tiếp tục hạn chế các hoạt động của những tổ chức tôn giáo và các lãnh đạo tôn giáo không được nhà nước công nhận, đặc biệt là các tổ chức không đăng ký và các nhóm từ cộng đồng thiểu số.
Báo cáo nêu nói về các hình thức sách nhiễu của chính phủ bao gồm cả việc tấn công thân thể, giam giữ ngắn hạn, khởi tố và hạn chế đi lại.
Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 12 năm ngoái thông qua hai dự luật HR 624 và HR 1150 trong lĩnh vực nhân quyền và tự do tôn giáo, được cho là có liên quan tới Việt Nam.
Điều này cũng có nghĩa các quan chức và cá nhân nước ngoài, kể cả Việt Nam, bị Hoa Kỳ liệt vào dạng vi phạm nhân quyền, có thể bị trừng phạt bằng cách này mà không đụng chạm tới cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, hệ thống phân hạng các quốc gia mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp vào nhóm "Các nước cần quan tâm đặc biệt" (Countries of Particular Concern - CPC) trong lĩnh vực tự do tôn giáo sẽ được điều chỉnh để chia thành nhóm các nước CPC hợp tác với Mỹ trong việc cải thiện tình hình, và các nước CPC không làm vậy.
Việt Nam từng nằm trong danh sách CPC trong nhiều năm. Tuy nhiên đến 11/2006, trước khi Việt Nam được gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới (WTO), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách cho đến nay.
Tuy nhiên, đến 2016, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ trong bản phúc trình thường niên đánh giá rằng chính quyền Hà Nội "vẫn tiếp tục coi một số nhóm tôn giáo và các hoạt động của họ là sự đe dọa cho đất nước", đồng thời nhắc tới việc Việt Nam vẫn còn khoảng hơn 100 tù nhân chính trị, trong đó nhiều người bị giam giữ vì lý do tôn giáo và kêu gọi tự do tôn giáo.
Therealtz © VietBF