Đêm qua 28/7, Triều Tiên lại bắn tên lửa đạn đạo liên lục địa lần 2. Ngay sau khi bắn, Kim Jong-un đã tuyên bố phóng thành công trúng mục tiêu và bay xa gần 1.000km. Theo các chuyên gia thì đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng có tầm bắn nhắm trúng các thành phố lớn của Mỹ.
Tên lửa Triều Tiên.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) tuyên bố vụ phóng thử lần thứ 2 ICBM Hwasong-14 của nước này đã thành công. KCNA nêu rõ tên lửa đã bay được 47 phút 12 giây, đạt tầm bắn tối đa 3.724,9 km, bay xa 998 km và đã bắn trúng mục tiêu trên biển.
Cũng theo KCNA, vụ phóng đã thử nghiệm thành công khả năng quay trở về khí quyển trái đất của ICBM .KCNA còn dẫn lời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un cho biết vụ thử tên lửa mới nhất là minh chứng về năng lực tên lửa của nước này khi Bình Nhưỡng có thể phóng tên lửa "tại bất cứ đâu và vào bất kỳ thời gian nào", đồng thời tuyên bố "toàn bộ lãnh thổ của Mỹ đều nằm trong tầm tấn công của Bình Nhưỡng".
Ngày 29.7, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhanh chóng thông qua một nghị quyết về các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Triều Tiên vì "hành động khiêu khích mới nhất bằng tên lửa".
Ngày 29.7, Trung Quốc đã hối thúc Triều Tiên tôn trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) và ngừng tất cả các hành động có thể làm tồi tệ thêm tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.
Trong một tuyên bố, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nhấn mạnh nghị quyết của HĐBA LHQ đã có quy định rõ ràng về hoạt động phóng thử tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Do đó, vụ phóng của Bình Nhưỡng là trái với mong muốn chung của cộng đồng Quốc tế và Bắc Kinh phản đối hành động này. Phía Trung Quốc đồng thời bày tỏ mong muốn các bên liên quan hành động cẩn trọng, không làm cho tình hình thêm căng thẳng, nhằm cùng duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Vụ phóng tên lửa mới này của Triều Tiên đã được dự báo trong bối cảnh những ngày này, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đang có những hoạt động nhân 64 năm ký kết thỏa thuận đình chiến kết thúc cuộc chiến tranh liên Triều
Nói về khả năng tấn công của tên lửa Triều Tiên vừa thử, chuyên gia về tên lửa David Wright, nếu tên lửa này được phóng theo một đường đi tiêu chuẩn và có độ phẳng hơn, nó có thể đặt các thành phố lớn của Mỹ như Los Angeles, Denver và Chicago vào tầm bắn, với khả năng xa nhất có thể vươn tới New York và Boston.
Tuy nhiên, ông Wright cho hay các phân tích ban đầu của vụ thử không thể xác định được lượng chất nổ mà đầu đạn của tên lửa này có thể mang theo. Ông rằng lượng chất nổ càng nặng thì tầm bắn của tên lửa càng ngắn.
Trong khi đó, Giám đốc bộ phận nghiên cứu phòng thủ của Trung tâm nghiên cứu vì lợi ích quốc gia của Mỹ, ông Harry J. Kazianis nói: “Triều Tiên đang dần trở thành một cường quốc hạt nhân và tên lửa ngay trước mắt chúng ta. Triều Tiên sẽ lại tiếp tục thử công nghệ tên lửa và vũ khí hạt nhân trong những năm tháng sắp tới nhằm phát triển hệ thống vũ khí sát thương nhất mà nước này có thể”.
Chuyên gia cấp cao Doug Bandow thuộc Viện Cato trả lời hãng tin CNN rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cho thấy Bình Nhưỡng “cam kết tuyệt đối đối với chương trình tên lửa của mình”, và không quan tâm đến việc làm giảm hoạt động của mình. Theo ông, chính quyền Bình Nhưỡng bị thuyết phục rằng việc phát triển chương trình tên lửa như một sự răn đe hạt nhân và hoàn toàn cần thiết. Điều này là một tư duy sẽ tiếp tục gây áp lực với Tổng thống Mỹ Donald Trump, người cho rằng bản thân mình đang ở vào một tình thế không có lựa chọn tốt nào.
Không có gì là khó hiểu khi Triều Tiên kiên định tiếp tục chương trình hạt nhân và tên lửa. Nó là vũ khí chiến lược công hiệu nhất của Triều Tiên về mọi phương diện và hiện là sự đảm bảo chắc chắn nhất cho an ninh của nước này. Mỹ càng gia tăng áp lực và càng đe doạ Quân sự thì Triều Tiên càng thường xuyên sử dụng đến vũ khí này. Bao năm qua đã luôn là như thế. Triều Tiên cho rằng chỉ khi nào Mỹ sợ bị tổn hại bởi bị Triều Tiên tấn công hoặc phản công thì Mỹ mới không dám khiêu chiến thực sự và trực tiếp với Triều Tiên. Có răn đe hiệu quả thì Triều Tiên mới có thể ngăn cản nguy cơ bị tấn công quân sự.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nếu Triều Tiên cả gan sử dụng vũ khí hạt nhân đối với Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc Mỹ, chắc chắn sẽ dẫn đến sự trả đũa bằng hạt nhân từ Mỹ.
Hàn Quốc và Nhật Bản đã từng là đồng minh của Mỹ trong nhiều thập kỷ. Các mối quan hệ này mạnh mẽ như bất kỳ mạng liên minh nào của Hoa Kỳ. Rất nhiều đời bộ trưởng quốc phòng của mối quan hệ đồng minh đã cam kết bảo vệ Seoul và Tokyo. Vì vậy, cuộc trả đũa hạt nhân của Mỹ gần như chắc chắn sẽ xảy ra sau cuộc tấn công hạt nhân nếu có từ Triều Tiên.
Thậm chí, trong trường hợp đó, không chỉ có Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ ra tay nếu Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân. Trung Quốc có thể chịu đựng được việc hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, nhưng thật khó tưởng tượng Bắc Kinh chấp nhận Triều Tiên sử dụng vũ khí này để bắt đầu một cuộc chiến tranh. Bắc Kinh biết rằng Trung Quốc có thể là mục tiêu tiếp theo. Thật dễ dàng đoán trước rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng hợp tác để vô hiệu hoá Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân một cách liều lĩnh.
VietBF © sưu tập