Cái chết của Otto Warmbier đã gây phẫn nộ cho người Mỹ, chính phủ và Tổng thống Donald Trump. Ông Trump nói đó là sự tàn bạo, hôm qua Triều Tiên cũng nói ông trump là kẻ "tâm thần". Chắc chắn sau cái chết của sinh viên Mỹ, Wasington cũng sẽ có những biện pháp đáp trả Triều Tiên.
Triều Tiên ngày 23-6 lên tiếng bác thông tin Bình Nhưỡng đối xử tàn bạo hoặc tra tấn sinh viên Mỹ Otto Warmbier trong thời gian giam giữ anh này.
Theo Washington Post, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 23-6 đã lần đầu lên tiếng phản ứng về cái chết của chàng sinh viên người Mỹ Otto Warmbier mà Bình Nhưỡng thả về sau 17 tháng giam giữ.
Theo đó KCNA cho biết Triều Tiên không tra tấn hay có bất cứ hành động bạo lực nào đối với Otto Warmbier cũng như mọi tội phạm bị nước này giam giữ.
Chàng sinh viên Mỹ Otto Warmbier tại Tòa án Nhân dân Tối cao Triều Tiên hồi 16-3-2016. Ảnh: KCNA
"Chúng tôi đối xử với tất cả tội phạm theo luật pháp quốc gia và chuẩn mực quốc tế" - KCNA dẫn lời quan chức Triều Tiên.
Bài báo của KCNA cũng chỉ trích Hàn Quốc lợi dụng trường hợp của Otto để đòi Triều Tiên thả những người bị bắt giữ khác, trong đó có sáu công dân Hàn Quốc và ba công dân Mỹ.
KCNA còn lên án Seoul bôi nhọ hình ảnh của chính phủ Triều Tiên bằng những lời nói vu khống về hành vi đối xử tàn bạo và tra tấn trong khi lại không biết đến những đối xử “nhân đạo” mà Otto đã nhận được trong thời gian bị giam tại Triều Tiên. Tuy nhiên, KCNA lại không tiết lộ chi tiết việc chàng sinh viên Mỹ 22 tuổi được đối xử như thế nào trong thời gian bị bắt giam hay điều gì có thể khiến Otto rơi vào trạng thái hôn mê .
Otto được đưa về Mỹ ngày 13-6 và qua đời 6 ngày sau đó. Otto Warmbier trở về Mỹ trong tình trạng hôn mê. Giới chức Triều Tiên giải thích nguyên nhân là do cậu bị ngộ độc và uống thuốc ngủ. Tuy nhiên, các bác sĩ chăm sóc cho Otto nói rằng không có dấu hiệu của việc Otto bị ngộ độc và lại bị tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Cha của Otto nói rằng con trai ông đã bị Triều Tiên tra tấn và khủng bố. Phía Mỹ và Hàn Quốc tố cáo Triều Tiên dùng tù nhân nước ngoài để mặc cả và giành nhượng bộ ngoại giao.