Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Qatar trong khi các nước láng giềng cô lập. Nước này đưa binh lính tới Qatar không hẳn chống lại các nước Ả Rập. Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ với nước vùng Vịnh này nhưng vẫn duy trì quan hệ tốt với các nước lân cận.
Thổ Nhĩ Kỳ có quan hệ chặt chẽ với Qatar kể cả trong lĩnh vực năng lượng, nhưng cũng duy trì quan hệ tốt với các nước vùng Vịnh. Ảnh AFP
"Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai một căn cứ quân sự và binh lính ở Qatar một thời gian. Việc tăng cường sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ tại Qatar vào thời điểm này là một nỗ lực để trấn an Doha", ông Kadir Ustun, Giám đốc điều hành của Quỹ SETA tại Washington, DC bình luận.
Tương tự, ông Can Kasapoglu, chuyên gia phân tích quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh với hãng tin Al Jazeera rằng: "Điều này thực sự cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ xem các quan hệ quân sự với Qatar là một trong những trụ cột không thể thiếu trong chiến lược của nước này đối với khu vực. Động thái này cũng cho thấy, Ankara sẽ không thay đổi tầm nhìn dài hạn một cách rõ rệt, mạnh mẽ trước những biến động của khu vực".
Tin liên quan
Khủng hoảng Qatar: Trump có thể tặng không Putin món quà vô giá
Thổ Nhĩ Kỳ lập căn cứ quân sự ở Qatar theo một thỏa thuận được ký kết năm 2014. Đây là căn cứ đầu tiên của nước này ở Trung Đông, có sức chưa 5.000 quân. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ triển khai 200 binh sĩ ở đây.
"Căn cứ quân sự ở Qatar là tài sản hình thành quyền lực quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara luôn coi Doha là một đồng minh chiến lược trong khu vực và đang chứng minh điều đó", ông Kasapoglu nhấn mạnh.
Theo các nhà phân tích, Ankara và Doha chia sẻ một số quan điểm chính trị chung. Trong khi Saudi Arabia xem tổ chức Anh em Hồi giáo và Hamas là khủng bố thì Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ lại không. Cả Ankara và Doha đều ủng hộ phiến quân chiến đấu lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria.
Đặc biệt, sự hợp tác chính trị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đã tăng đáng kể sau khi Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong và sau vụ đảo chính thất bại năm ngoái tại Ankara.
Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ cũng theo đuổi một chiến lược "cân bằng" tương tự nhau trong mối quan hệ của họ với Iran - vốn bị xem kẻ thù hiện hữu của Saudi Arabia. Tuy nhiên, các nhà phân tích đều nhận định rằng, không nên đánh giá động thái của Thổ Nhĩ Kỳ là "nghiêng về phía Qatar" trong cuộc khủng hoảng ngoại giao ở vùng Vịnh.
"Căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar đã và vẫn luôn mang ý nghĩa tượng trưng và không có gì nhiều hơn thế nữa", Atilla Yesilada, một nhà phân tích chính trị của Global Source Partners ở Istanbul chia sẻ.
Tương tự nhà phân tích Kasapoglu cũng nhấn mạnh rằng: "Việc Thổ Nhĩ Kỳ điều quân đến Qatar không phải là hành động chống lại Saudi. Nó không có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ có ý định gây nguy hiểm cho mối quan hệ của họ với Saudi Arabia hay UAE Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì quan điểm rằng: "Chúng tôi không muốn những đồng minh tốt của chúng tôi xảy ra mâu thuẫn".
Lý do là dù xem Qatar là đối tác chiến lược, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ với Saudi Arabia. Hai nước đã ký một hiệp định đặc biệt vào tháng 4 năm ngoái để thành lập một nhóm chuyên trách nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương.
Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn tăng thị phần trong thị trường vũ khí toàn cầu và Ankara tin rằng, Saudi Arabia là một thị trường bền vững và tiềm năng. "Thổ Nhĩ Kỳ muốn ký thỏa thuận xuất khẩu lớn để bán vài tàu hộ tống tới Saudi Arabia trong tương lai gần. Nếu thỏa thuận này thành công, đây sẽ là hợp đồng xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara không muốn để vuột mất cơ hội này", ông Yesilada nhấn mạnh.