Dâu tây màu đỏ là loại quả rất bình thường đối với bất cứ ai. Nhưng dâu tây màu trắng thì không phải ai cũng biết. Nhật Bản đang là nước có loại dâu tây trắng rất đặc biệt.
Nhật Bản là xứ sở của những loại thực vật kỳ lạ nhất thế giới. Lá cây ở đây có thể mang hình cá heo, dưa hấu có thể hình vuông, nho mỗi quả to như quả bóng bàn. Tuy nhiên, thứ đặc biệt nhất, làm nên thương hiệu cho Nhật Bản lại là những trái dâu tây màu trắng.
Đó là những quả dâu "độc nhất vô nhị" mà bạn không thể ở một nơi nào khác trên thế giới. Và tất nhiên, giá của mỗi quả không hề dễ chịu chút nào: khoảng hơn 1.000 yen Nhật/quả (tương đương hơn 200.000 VND).
Tuy vậy, nếu tìm hiểu thêm về những trái dâu này, bạn sẽ cảm thấy cái giá ấy không hề vô lý một chút nào.
Dâu tây trắng - "bạch ngọc" của Nhật Bản
Dâu tây trắng ở Nhật có tên là Shiroi Houseki - hay dâu "bạch ngọc" (White Jewel). Nói là một quả, nhưng mỗi trái dâu trắng ở đây nặng ít nhất là 50g (nửa lạng), tức đó là những quả dâu khổng lồ.
Đặc biệt, dâu "bạch ngọc" bắt mắt hơn, ăn ngọt hơn, mọng nước hơn dâu thường. Vậy nên dù có cái giá không rẻ, đây vẫn là mặt hàng luôn "cháy" ở mọi thời điểm trong các trung tâm thương mại và siêu thị.
Tuy nhiên, lý do đẩy giá tiền của dâu "bạch ngọc" lên cao lại đến từ nguồn gốc của chúng. Tính đến thời điểm hiện tại, loại dâu này chỉ được trồng tại một cơ sở duy nhất trên thế giới, đó là trang trại của Yasuhito Teshima - một nông dân thuộc tỉnh Saga.
Theo Teshima chia sẻ, trang trại của ông có 50 loại dâu khác nhau, và dâu "bạch ngọc" là kết quả lai tạo giữa nhiều loại dâu với nhau.
Ngoài ra, để có được một màu trắng hoàn hảo, dâu phải được trồng trong điều kiện ánh sáng được kiểm soát cực kỳ nghiêm ngặt.
Dành cho những ai chưa biết thì giống như người, màu sắc của dâu tây được quyết định bởi ánh nắng. Da người đi nắng nhiều thì đen đi vì xuất hiện nhiều melanin (hắc tố), còn dâu tây thì đỏ hơn nhờ anthocyanin.
Vì là màu trắng nên dâu sẽ nhanh chóng lộ ra những điểm khiếm khuyết, trong khi những trái dâu bán ra thị trường phải trắng và đẹp một cách hoàn hảo.
Do vậy, loại dâu này không thể trồng với số lượng lớn. Trên thực tế,
con số xuất ra ngoài thị trường chỉ đạt khoảng 1/10 tổng sản lượng, và đó cũng là nguyên nhân chính đẩy giá dâu trắng "lên trời".
Cần lưu ý rằng ở Nhật không chỉ có Shiroi Houseki là dâu trắng. Nhờ lai tạo, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại dâu khác với màu sắc tương tự như Yuki Usagi (dâu bạch thỏ), Sakura Ichigo (dâu anh đào), hay Tenshi No Mi (dâu thiên thần)...
Nhưng chỉ dâu bạch ngọc bứt phá để trở thành đặc biệt, với mức giá đắt nhất trong số tất cả các loại dâu trắng hiện nay trên thế giới.
Còn bạn thì sao? Bạn có muốn được một lần cắm ngập răng vào trái dâu mọng nước ấy? Hãy để lại bình luận nhé.