Một quan chức trong Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, chiến lược tái cân bằng ở Thái Bình Dương do ông Obama khởi xướng đã chấm dứt. Liệu chiến lược này sẽ ra sao?
Khi được hỏi về tương lai chính sách cân bằng ở Thái Bình Dương (còn được gọi là cân bằng ở châu Á), quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton cho biết chính quyền mới đã có kế hoạch riêng cho vấn đề này.
"Xoay trục, tái cân bằng, là những thuật ngữ được dùng để mô tả chính sách với châu Á của chính quyền trước. Tôi nghĩ các bạn mong đợi chính quyền mới sẽ có chiến lược riêng của mình. Nhưng chúng tôi chưa có chi tiết về chiến lược mới", bà Thornton nói.
Tuy nhiên, trước chuyến thăm đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới khu vực châu Á- Thái Bình Dương, bà Thornton nhấn mạnh rằng chính quyền mới sẽ vẫn duy trì các cam kết của Mỹ đối với khu vực này.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia và hoạt động tích cực ở châu Á. Nền kinh tế châu Á rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và phát triển của Mỹ, do đó, chúng tôi sẽ tiếp tục với các vấn đề như thương mại công bằng, thương mại tự do và những thách thức an ninh khu vực như Triều Tiên; thúc đẩy hòa bình và ổn định dựa trên tinh thần xây dựng và tôn trọng luật lệ ở châu Á", Thornton nói.
Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Học viện Chính sách Quốc tế Lowy, Australia, cho biết còn quá sớm để đánh giá mối quan hệ của chính quyền mới với các nước châu Á- Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng tình trạng không rõ ràng có thể xảy ra bởi “khoảng trống chính sách” vì đội ngũ nhân viên của ông Trump còn thiếu kinh nghiệm.
Quan điểm của Tổng thống Trump đối với vấn đề xoay trục châu Á đã khá rõ ràng, khi ông gạt bỏ các quyết định liên quan đến khu vực này dưới thời ông Obama.
Minh chứng rõ ràng nhất là quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được cựu Tổng thống Obama và Bộ trưởng Quốc phòng thời đó là ông Ash Carter ủng hộ.
VietBF © sưu tầm