Tân Tổng thống Mỹ đã từng tuyên bố ông sẽ giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại. Vĩ đại cả về mặt quân sự và kinh tế, liệu ông có làm được khi mà 8 năm qua dưới thời Tổng thống Obama, quân đội Mỹ đã bị "tầm thường hóa". Liệu một người không có chút kiến thức về quân sự có vượt qua được thử thách sốc đầu tiên?
Sức mạnh của nước Mỹ luôn gắn liền với lực lượng quân sự "đồ sộ", cùng lúc triển khai tại mọi điểm nóng trên toàn cầu. Chính vì vậy, để hiện thực hóa mục tiêu "giúp nước Mỹ vĩ đại trở lại", tỷ phú Trump trong vai trò Tổng tư lệnh sẽ phải nhìn nhận thẳng thắn về hiện trạng "đi xuống" đáng lo ngại của Quân đội Mỹ.
Binh sỹ Mỹ tập trận cùng một chiếc xe tăng M1 Abrams (Ảnh: Detroit Free Press/MCT)
Vào thời điểm nước Mỹ sắp chứng kiến một chính quyền hoàn toàn mới lên nắm quyền, những trách nhiệm mà nó "thừa kế" từ thời Tổng thống Barack Obama để lại là rất khó khăn, trong bối cảnh các mối đe dọa đến lợi ích và an ninh của nước Mỹ trên toàn cầu ngày một gia tăng.
Cùng lúc đó, các kế hoạch cắt giảm ngân sách đã buộc bộ Quốc phòng Mỹ phải hy sinh phần nào tiến trình hiện đại hóa quân đội, nhằm ưu tiên cho các chiến dịch đang tiến hành và các nhu cầu bức thiết hơn.
Theo bản báo cáo về Chỉ số Sức mạnh Quân sự Mỹ, được các chuyên gia của Heritage Foundation công bố hồi đầu tháng 11 vừa qua (sau đây gọi tắt là "Chỉ số"), các vấn đề mà quân đội Mỹ gặp phải trong 2 năm trước đây tiếp tục tiếp diễn trong năm 2016. Trong khi quân đội Mỹ gặp khó khăn để duy trì vị thế của mình thì các "đối thủ" của họ lại không hề giậm chân tại chỗ.
Nga ngày một thêm mạnh, Triều Tiên cũng không ngừng tiến bộ
Hãy ngó qua CHDCND Triều Tiên. Trong năm 2016, họ đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm hạt nhân, trong đó có cả vụ thử nghi là bom nhiệt hạch hồi tháng Một.
Triều Tiên cũng tiếp tục phát triển năng lực tên lửa hành trình của mình, nhằm có thể sớm đạt được khả năng triển khai đầu đạn hạt nhân lên các tên lửa đạn đạo tầm xa. Trong khi đó các "sức mạnh chiến lược" của Mỹ đều bị cho là suy yếu đi.
Cộng với hệ thống hạ tầng hạt nhân cũ kỹ và các thiết kế vũ khí hạt nhân lạc hậu, Nhóm công tác về Quản lý Vũ khí Hạt nhân của bộ Quốc phòng Mỹ kết luận rằng: "khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị được giao nhiệm vụ hạt nhân đã suy giảm nghiêm trọng".
Một vụ thử nghiệm phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm của Triều Tiên trong năm 2016 (Ảnh: NBC News)
Trong khi đó, Nga đang hoàn thiện xe tăng thế hệ mới của họ, mẫu T-14 "Armata". Loại tăng mới này nhẹ hơn và nhanh hơn mọi đối thủ đến từ Mỹ và các đồng minh. Một báo cáo của tình báo Anh Quốc nhận định T-14 là mẫu tăng "mang tính cách mạng nhất" và dự đoán rằng Nga sẽ sớm hoàn thiện việc phát triển 6 mẫu khí tài bọc thép khác dựa trên khung gầm "Armata" tiên tiến trên.
Đối lập với Nga, Mỹ đã trì hoãn hoặc hủy bỏ nhiều chương trình phát triển phương tiện chiến đấu bộ binh, với không một dự án nào hiện đang triển khai, tương lai của lực lượng này hiện cũng không rõ ràng.
T-14 cùng một chiếc xe thiết giáp cũng được phát triển trên cơ sở khung gầm Armata tham gia diễu binh tại Quảng trưởng Đỏ (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Trong lúc Nga đang gia tăng hiện diện quân sự, cả về quân số và trang thiết bị tại vùng biên giới với khối NATO, thì Mỹ lại cắt giảm quân số thường trực xuống mức thấp nhất kể từ năm 1940 tới nay. Ngân sách mua sắm quân sự giảm 35% trong giai đoạn 2011-2015 và tính chung quy mô Quân đội Mỹ hiện nhỏ hơn thời điểm trước sự kiện khủng bố 11/9/2001.
Mối đe dọa từ Thái Bình Dương
Tại khu vực Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn là một "mối đe dọa tiềm tàng" với Mỹ, trong lúc nước này tiếp tục tăng cường xây dựng quân đội, song song với việc tăng cường các tuyên bố chủ quyền mang tính khiêu khích và bất hợp pháp trong khu vực. Những hành động trên của Trung Quốc đe dọa sẽ cản trở tự do lưu thông và gây mất ổn định tại châu Á Thái Bình Dương.
Quy mô và năng lực của Hải quân Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương khiến dư luận Mỹ đặc biệt quan ngại (Ảnh: China SignPost)
Trong lúc đó, Hải quân Mỹ, lực lượng được thành lập với mục đích duy trì an ninh và lợi ích kinh tế của Mỹ qua việc bảo đảm tự do hàng hải và thương mại trên biển, lại đang phải "vật lộn" để có thể triển khai một hạm đội có thể duy trì sự hiện diện liên tục trên quy mô toàn cầu.
Ví dụ, Quân đội Mỹ hiện duy trì hoạt động của 10 nhóm tàu sân bay, thấp hơn mức tối thiểu yêu cầu là 11. Ở tầm vi mô hơn, Hải quân Mỹ từng khẳng định cần 52 tàu chiến đấu mặt nước cỡ nhỏ, như các tàu khinh hạm, tàu quét lôi, nhưng hiện chỉ có 17 chiếc đang hoạt động.
Một chiếc tàu quét lôi của Mỹ thực hiện nhiệm vụ
Các ví dụ trên phản ánh một bức tranh chung về Hải quân Mỹ, lực lượng đã giảm 13% về quy mô kể từ sau sự kiện 11/9 và là hạm đội nhỏ nhất của Mỹ kể từ năm 1916. Trong khi chỉ số của Quỹ Heritage cho rằng Mỹ cần 350 tàu chiến thì hiện Hải quân Mỹ chỉ có 272 chiếc.
Thực trạng Quân đội Mỹ: Cắt giảm và cắt giảm
Kế hoạch gia tăng tiến độ cắt giảm quân số, do chủ trương của Chính quyền Tổng thống Obama, đã buộc các quan chức Quân đội Mỹ phải đối mặt với các quyết định khó khăn trong các chiến dịch mang tính chiến lược.
Ví dụ, Lữ đoàn Chiến đấu số 4 tại Alaska theo kế hoạch sẽ bị giải thể trong năm tài khóa 2016. Tuy nhiên do vị trí chiến lược của đơn vị trên, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Mỹ, Tướng Mark Milley đã đồng ý tạm hoãn kế hoạch.
Quân đội Mỹ được cho là đã bị Chính quyền Barack Obama "tầm thường hóa" sau 2 nhiệm kỳ vừa qua
Tuy nhiên tính cả đơn vị kể trên, Quân đội Mỹ hiện cũng chỉ có 31 Lữ đoàn Chiến đầu còn đang hoạt động. Trong khi đó, theo Chỉ số năm 2016 do Heritage Foudation đưa ra, nước Mỹ cần tới 50 lữ đoàn như vậy để đảm bảo công tác an ninh và lợi ích chiến lược, cũng như ngăn chặn các hoạt động gây hấn trên quy mô toàn cầu.
Nếu Quốc hội Mỹ tiếp tục ủng hộ đường hướng của chính quyền cũ trong năm 2018, sẽ dẫn tới việc Quân đội Mỹ tiếp tục bị "cắt giảm" về nhiều phương diện, đe dọa hơn nữa tới vị thế trên quy mô toàn cầu của Mỹ.
Nguy cơ từ sự khan hiếm máy bay, trực thăng
Tính trong toàn Quân đội Mỹ, hiện đang tồn tại tình trạng khan hiếm về các loại máy bay chiến đấu, cũng như trực thăng.
F-35C, phiên bản hải quân của mẫu tiêm kích thế hệ thứ 5, sẽ không được mua sắm với số lượng đủ lớn để thay thế hoàn toàn các máy bay F/A-18 hiện tại. Một mối lo lắng tương tự cũng đang hiện hữu với lực lượng Không quân, nơi mà các tiêm kích F-35A không thể được bổ sung thêm kịp thời để thay thế các mẫu máy bay cũ.
Lực lượng Thủy quân lục chiến thì đang trải qua sự khan hiếm về trực thăng vận tải hạng nặng CH-53E. Chưa hết, trong khi Không quân Mỹ triển khai gần đủ con số 1.200 máy bay chiến đấu cần thiết theo Chỉ số, thì hiện họ lại thiếu tới 700 phi công đủ năng lực để điều khiển chúng, chiếm tới quá nửa số lượng máy bay.
Một cặp tiêm kích F-35 thực hiện bài bay tập luyện
Thiếu hụt về máy bay và nhân sự cũng đồng nghĩa với việc quá trình huấn luyện sẽ gặp khó khăn. Việc giảm thiểu thời gian huấn luyện đối với các phi công sẽ dẫn tới hậu quả là sự giảm mạnh về khả năng sẵn sàng chiến đấu, trong khi đó lại gia tăng các vụ tai nạn, sự cố máy bay do sai sót của con người.
Số lượng máy bay ít cũng đồng nghĩa với việc tần suất hoạt động của chúng cao hơn, dẫn tới tuổi thọ của chúng giảm nhanh hơn, tăng nguy cô sự cố kỹ thuật.
Kết luận
Trong khi quy mô và năng lực của Quân đội Mỹ đang trên đà giảm sút thì các "kẻ thù" của Mỹ hiện vẫn đang tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng và khả năng của mình, trên quy mô toàn cầu.
Chính quyền tương lai của Mỹ, do Tổng thống đắc cử Donald Trump đứng đầu, sẽ phải lãnh trạnh nhiệm khó khăn, nhằm chặn đà "đi xuống" của Quân đội Mỹ, trước khi nghĩ đến việc giúp nước Mỹ "Vĩ đại trở lại" như khẩu hiệu tranh cử của Tổng thống Trump.