Nga đã rất thành công trong chương trình hiện đại hóa thiết bị vũ khí của mình. Thế lực về vũ khí quân sự của Nga khiến Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ hết sức nể phục. Chính Mỹ đã thừa nhận Nga là cường quốc quân sự trên thế giới hiện nay.
Siêu tên lửa hành trình Kh-101 lần đầu tiên được Nga phóng đi từ máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và gần đây là Tu-95MS đã nhận được sự chú ý đặc biệt từ phương Tây.
Kh-101 được cải tiến từ mẫu tên lửa hành trình Raduga Kh-55.
Chuyên gia quân sự Victor Murakhovski, thành viên Hội đồng chuyên viên Ngành Công nghiệp quốc phòng Nga bình luận, đòn tấn công chính xác của các tên lửa có cánh Kh-101, vào mục tiêu IS ở Syria từ máy bay Tu-95MS, đã cho thấy thành công trong chương trình hiện đại hóa trang thiết bị vũ khí Nga.
Siêu tên lửa Kh-101 được Nga âm thầm phát triển và lần đầu tiên thực chiến vào tháng 11.2015 cũng ở chiến trường Syria.
Hai máy bay ném bom chiến lược Tu-160 khi đó cất cánh từ Nga, trải qua hành trình hàng ngàn km, phóng 16 tên lửa Raduga Kh-101 vào mục tiêu Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Nga chế tạo hai phiên bản tên lửa Raduga, một mang đầu đạn thông thường nặng 400 kg mang tên Kh-101 và phiên bản Kh-102 đầu đạn hạt nhân 250 Kt.
Tên lửa Kh-101 được tích hợp với Tu-160 (12 tên lửa), Tu-95MS16 (8 tên lửa), Tu-22M3/5 (4 tên lửa) và Su-34 (2 tên lửa). Loại vũ khí đáng sợ này có thể phóng đi từ máy bay ở độ cao 3.000-12.000 mét, đạt tốc độ 700-970 km giờ.
Kh-101 đang được đưa lên khoang vũ khí của máy bay ném bom chiến lược Tu-160.
Tên lửa không có hệ thống đẩy ban đầu, đồng nghĩa máy bay phải thả xuống ở độ cao nhất định trước khi Kh-101 được kích hoạt. Một số nguồn tin nói tầm bắn của Kh-101 có thể lên tới 10.000 km.
Tên lửa hành trình tầm xa cho phép máy bay ném bom Nga oanh tạc mục tiêu từ vị trí an toàn, tránh khả năng phải xâm nhập vào không phận đối phương vốn đầy rẫy rủi ro.
Kh-101 cũng cung cấp cho phi đội máy bay ném bom Nga khả năng tấn công chính xác, vài năm trước vốn vẫn là “bảo bối” của không quân Mỹ.
Kh-101 có trọng lượng tối đa 2.400 kg, dài 745 cm. Độ chính xác khi ngắm bắn mục tiêu di động ở mức 10 mét, cao nhất là 5 mét.
Tên lửa có cấu trúc hệ thống dẫn đường quán tính tích hợp hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga, giai đoạn tấn công mục tiêu sau cùng sử dụng hệ thống dẫn quang ảnh tương tự như Tomahawk của Mỹ.
Tên lửa hành trình có thể tự thay đổi quỹ đạo bay, né tránh radar đối phương. Bề ngoài tên lửa giống như một máy bay nhỏ, thiết kế với công nghệ tàng hình, giảm tối đa khả năng phản xạ sóng radar so với các tên lửa Mỹ.
Bên trong tên lửa Kh-101 có lưu trữ sẵn bản đồ địa hình và hệ thống quang học. Trong giai đoạn cuối, tên lửa sẽ tự sàng lọc mục tiêu theo tọa độ và hình ảnh thực tế. Nếu như mọi thứ đúng theo kế hoạch, hệ thống dẫn hướng sẽ đưa tên lửa lao thẳng vào mục tiêu.
Các thông số của Raduga đã tạo nên tên lửa hành trình độc nhất. Mỹ từng trang bị tên lửa hành trình AGM-129 cho chiến đấu cơ với tầm bắn 3.700 km nhưng hiện không còn biên chế loại tên lửa này vì chi phí bảo trì quá cao.
Sự kết hợp giữa máy bay ném bom chiến lược tầm bay 15.000 km và siêu tên lửa hành trình chính xác giúp Nga có thể tấn công mọi mục tiêu trên thế giới một cách hoàn toàn bất ngờ. Đó là lý phương Tây luôn cảm thấy phải dè chừng các tên lửa Kh-101/102.
Quan chức quốc phòng Mỹ nhận định trên Business Insider rằng, các tên lửa Kh-101 Nga là mối đe dọa thường trực với cơ sở hạ tầng quan trọng trên đất Mỹ, đặc biệt là mạng lưới điện.