Nếu có biểu hiện uống nước mà vẫn thấy khát và đi tiểu nhiều, bạn hãy nghĩ ngay đến căn bệnh tiểu đường. Ngày nay tiểu đường như một "dịch bệnh", nó tăng với tốc độ chóng mặt và ngày càng trẻ hóa. Bạn không được lơ là với bệnh tiểu đường bởi đường huyết không ổn định sẽ dẫn tới biến chứng tim mạch.
Biến chứng bàn chân do bệnh tiểu đường mang lại.
22 năm sống chung tiểu đường
Bà Trần Thị L. 60 tuổi trú tại Xuân Trường, Nam Định cho biết bà bị bệnh tiểu đường 22 năm nay. 22 năm sống chung với bệnh nhưng bà L. cũng khốn khổ vì biến chứng tim mạch của bệnh tiểu đường.
Bà L. kể ngày xưa bà chưa biết tiểu đường là gì. Người ta cho rằng đi tiểu ra đường, kiến bu mới là tiểu đường còn bà chị mệt mỏi và uống nước rất nhiều. Mỗi ngày có thể uống đến 4 – 5 lít nước và càng uống càng khát.
Triệu chứng ngày càng tăng. Lúc nào bà cũng uống nước, đi tiểu nhiều nhưng không đi bệnh viện khám. Chỉ đến khi xuất hiện những cơn đau nhói ở ngực, bà L. mới đến bệnh viện kiểm tra. Lúc này, đo đường huyết của bà L. lên đến 16 mmol/l. Bác sĩ cho biết đường huyết của bà L. quá cao phải điều trị ổn định đường huyết.
Suốt 22 năm qua, hầu như năm nào bà L. cũng đi viện vài tháng vì đường huyết tăng, có lúc điều trị ở tuyến dưới không được bà L. phải lên tận Hà Nội điều trị và lấy thuốc.
Cùng giống triệu chứng với bà L. ông Nguyễn Văn K. trú tại Ý Yên, Nam Định cũng khát nước và đi tiểu nhiều. Ông K kể 9 năm trước ông bỗng nhiên người mệt mỏi, đi tiểu nhiều và triệu chứng khát nước cảm giác đốt cháy cổ họng. Cứ uống vào 10 phút sau lại đi tiểu. Từ 67 kg, trong hơn 1 tháng ông sụt còn 57 kg. Lúc này gia đình còn tưởng ông bị ung thư nên khuyên ông đi khám. Đến bệnh viện kiểm tra may mắn đó chỉ là bệnh tiểu đường.
Tuy nhiên, ông K. cho biết để bệnh không bị biến chứng, ông phải rất cẩn thận. Với những bệnh nhân như ông K. chỉ cần sứt tý da có thể loét chân, loét tay bất cứ lúc nào. Ông K cười “bị bệnh này rồi như đứa trẻ sợ ngã, sợ chảy máu, sợ các vết đứt tay vì chỉ đứt tay nhỏ nó cũng há vết thương ra, rất khó lành.
Hầu hết những bệnh nhân bị tiểu đường cùng nằm điều trị với ông K và bà L. đều cho biết triệu chứng để họ đi khám là khát nước, tiểu nhiều lần và mệt mỏi. Có những trường hợp sụt cân, biến chứng tim mạch mới tìm ra được bệnh.
Gia tăng chóng mặt
Theo thống kê của Bộ Y tế bệnh tiểu đường là bệnh lý rối loạn chuyển hoá và đang gia tăng chóng mặt với tốc độ 300 %. Bệnh có biến chứng nguy hiểm gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, biến chứng thần kinh, gây mù loà...
Thạc sĩ bác sĩ Nguyễn Huy Cường – nguyên bác sĩ khoa Nội tiết – Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh tiểu đường type 2 trước đây được hiểu là bệnh đái tháo đường ở người già, nhưng ngày nay với lối sống thay đổi quá nhanh đã dẫn đến việc xuất hiện nhiều bệnh nhân trẻ béo phì và đái tháo đường type 2. Bác sĩ Cường cho biết ông đã tiếp xúc những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2 mới 11 tuổi. Dự báo trong tương lai khi số học sinh béo phì tăng lên, số trẻ mắc đái tháo đường type 2 sẽ ngày càng trở nên phổ biến.
Bình thường, đường máu lúc đói là dưới 5,5 mmol/lít. Nếu đường máu 2 lần thử lớn hơn và bằng 7mmol/lít hoặc đường máu bất kỳ lớn 11,1/lít là chắc chắn bị mắc đái tháo đường. Khi đường máu lúc đói từ 5,6 cho đến 6,9 mmol/lít thì gọi là giảm dung nạp đường máu lúc đói hoặc là tiền đái tháo đường. Vì những ngườI này rất dễ tiến triển đến bệnh đái tháo đường nếu không thay đổi lốI sống như ít vận động, ăn nhiều và bị nhiều stress...
Bác sĩ Cường cho biết bệnh tiểu đường điển hình có các triệu chứng: đái nhiều, khát nước uống nhiều, gầy sút cân...; nhưng bệnh tiểu đường thường có giai đoạn không có bất kỳ triệu chứng gì. Giai đoạn này có thể kéo dài 10 năm, do đó một nửa số bệnh nhân đái tháo đường khi được chuẩn đoán đã có biến chứng do đường máu tăng cao không biết.
Hiện nay, ở Việt Nam chúng ta chỉ có thể chuẩn đoán được gần 40% số bệnh nhân đang mắc đái tháo đường. Do vậy, lời khuyên của bác sĩ tất cả mọi người trên 40 tuổi nên thử đường máu 3 năm/lần. Đây là cách đơn giản nhất để chẩn đoán bệnh đái tháo đường.