Trẻ nhỏ hiện nay có tỉ lệ mắc ung thư ngày càng cao. Những dấu hiệu của trẻ khi mới phát bệnh nếu không để ý sẽ không thể nhìn ra được. Chính vì vậy các bậc cha mẹ nên quan sát con cái mình thật kĩ.
Con mắc bệnh nan y, bố mẹ tưởng sốt vi rút
Cháu Nguyễn B. L. 4 tuổi trú tại Hải Dương đang điều trị ung thư máu tại Bệnh viện K Trung ương. Cháu bị ung thư máu.
Mẹ của B.L cho biết, cháu từ nhỏ rất khoẻ mạnh, ăn uống tốt không có dấu hiệu đau ốm nào. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giờ cháu đột nhiên hay bị sốt có những lần sốt cao cả tuần không hạ được sốt. Đỉnh điểm nhất là hồi tháng 5 khi cháu bị sốt cao không cắt cơn, sốt chủ yếu về chiều.
Tưởng con bị sốt vi rút, gia đình cho bé đi điều trị ở tuyến huyện nhưng điều trị mãi không khỏi. Bác sĩ lúc thì chẩn đoán viêm amidan, lúc thì nói cháu sốt vi rút. Từ cháu bé 17- 18kg chỉ trong vòng 10 ngày, bé sụt còn 15kg. Bố mẹ của B. L sốt ruột cho con đi kiểm tra ở bệnh viện tỉnh cũng không ra bệnh nên cứ nghĩ con sốt bình thường.
Điều chỉ điểm duy nhất đó là vết thương ở chân của bé do ngã cứ ngày một loét to ra, nhìn chẳng khác nào vết thương lở loét do tiểu đường.
Cháu B.L đang được điều trị ở viện (Ảnh: Soha.vn)
Bố mẹ bé lo sợ quá mới đưa con đến khám tại bệnh viện Nhi trung ương. Anh chị chết điếng khi bác sĩ chẩn đoán cháu bị ung thư máu ở giai đoạn muộn. Tiểu cấu xuống thấp quá nên vết thương của cháu từ bé xíu giờ đã to như cái chén nhìn rất sợ. Sợ bé nhiễm trùng máu, các bác sĩ phải điều trị vết thương kèm theo điều trị ung thư máu.
Mẹ của B. L cho biết cháu chỉ có dấu hiệu sốt nhưng tìm mãi không ta bệnh lại nghĩ sốt vi rút tái phát, nào ngờ đó là bệnh ung thư máu.
Điều khiến mẹ B. L cảm thấy đau xót nhất đó là nguyên nhân ung thư có thể do từ yếu tố của mẹ bé vì khi mang thai mẹ của B.L vẫn làm ở xưởng in bạt. Dù biết có mùi hoá chất nhưng vì miếng cơm manh áo và nghĩ là đeo găng tay, khẩu trang nên an toàn hơn. Nào ngờ đó có thể là mối nguy hiểm dẫn đến bệnh tình của con sau này.
Dù chưa chính xác nhưng yếu tố này là rất hiện hữu kèm theo yếu tố miễn dịch có thể gây ung thư máu.
Tại khoa Nhi, Bệnh viện K Trung ương có rất nhiều trẻ bị ung thư máu trong số đó các bé cũng chỉ có triệu chứng sốt cao. Bé Nguyễn H. A 3 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội cũng bị sốt cao cả tháng trời, bố mẹ cháu cho đi bác sĩ nhưng về vẫn không khỏi.
Bé điều trị ở bệnh viện huyện không đỡ bố mẹ cháu mới cho đi khám ở BV Nhi Trung ương. Kết quả chẩn đoán cháu bị ung thư máu và chuyển sang điều trị tại khoa Nhi, Bệnh viện K. Dù đã điều trị khỏi 2 năm trước nhưng gần đây bệnh lại tát phát. Mẹ của bé A. lúc nào cũng khóc bởi vì chị không biết bệnh tình của con có thể sống cùng với mình được đến khi nào.
Mẹ của bé H. A tâm sự vợ chồng chị làm nghề trồng rau xanh hơn 10 năm nay. Bé H. A là con gái út của anh chị. Vì lạm dụng thuốc trừ cỏ phun hàng tuần có thể đã thẩm thấu vào người anh chị gây đột biến gen và giờ đây con anh chị phải chịu đựng.
Mẹ của H. A cho biết 2 năm nay anh chị đã không sử dụng thuốc trừ cỏ nữa và cũng không trồng rau. Dù không biết đó có phải là nguy cơ khiến con anh chị bị ung thư máu không nhưng tối thiểu anh chị cảm thấy nhẹ nhàng và tránh xa nguyên nhân gây ung thư cho mình.
Các dấu hiệu cần nhớ
Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) cho thấy, thế giới có khoảng 250.000 trẻ em đang bị mắc bệnh ung thư, trong đó 50.000 trẻ được chẩn đoán có tỷ lệ sống sót là 80% và 200.000 trẻ còn lại chỉ có khoảng 25% sống sót.
Số ca ung thư nhi mắc mới ước tính trong một năm ở trẻ dưới 19 tuổi khoảng 4.200 trường hợp.
Trong số này, có 2.000 trẻ ung thư máu, 900 trẻ u não, còn lại là u nguyên bào thần kinh, u thận, u xương, u phần mềm...
Bạch cầu là căn bệnh ung thư gặp nhiều nhất ở trẻ em, chủ yếu ở lứa tuổi từ 3-4 tuổi, ngoài ra, có tới 23% tỷ lệ ung thư được chẩn đoán ở trẻ dưới 15 tuổi.
Ảnh minh họa.
Tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh ung thư khá cao, trong đó ung thư máu chiếm 30% trong các thể ung thư. Ung thư gây tử vong rất lớn nhưng có tới 40% trường hợp mắc ung thư có thể phòng ngừa được và chữa khỏi nếu được phát hiện sớm.
Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – Khoa Nhi, Bệnh viện K Trung ương cho biết, bệnh ung thư ở trẻ em có thể chữa khỏi nếu phát hiện sớm.
Nhiều người không ngờ trẻ cũng có thể mắc ung thư nên rất chủ quan không lưu ý tới trẻ. Khi thấy con "khó ở" trong người, họ tự mua thuốc cho con uống. Chữa mãi không thấy đỡ mới cho đi trạm xá, bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh nên khi đến được viện K Trung ương thì có bé đã cận kề "lưỡi hái tử thần".
Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh ung thư máu ở trẻ nhỏ cha mẹ cần nhớ rất kỹ đó là thấy con có dấu hiệu sốt kéo dài không lý giải được nguyên nhân. Chảy máu bất thường như chảy máu chân răng, có vết bầm tím trên da phải đưa con đi khám ngay chuyên khoa ung bướu để phát hiện bệnh sớm nhất.
VietBF © Sưu Tầm