Với những diễn biến thế giới hiện nay thì những tháng cuối năm 2016 khó có thể khả quan. Mỹ thì đang tăng sức mạnh cho quân nổi dậy ở Syria vì thế vùng này chắc chắn đụng độ gia tăng. Trong khi đó các nước nghèo tình hình chính trị cũng vô cùng căng thẳng...
Cuối 2016, người Mỹ sẽ bỏ phiếu chọn Tổng thổng của họ trong một cuộc bầu cử định hình chính sách đối ngoại của nước này hơn bao giờ hết.
Đó là bởi hai ứng viên hiện nay, Donald Trump và Hillary Clinton, đang theo đuổi những chủ trương khác nhau. Tuy cả hai đều chung quan điểm Mỹ sẽ giữ vững ngôi vị đứng đầu nhưng họ không có chung đường hướng thực hiện.
Ảnh: Business Insider.
Stratfor – công ty chuyên nghiên cứu chiến lược an ninh cho các tổ chức chính phủ và tập đoàn - cho biết, mục đích của họ không phải là dự đoán bầu cử Mỹ, mà nhận định kết quả của nó có thể làm thay đổi hành xử của nhiều quốc gia.
Đối với những nước quen sống trong nghi ngờ của Mỹ thì những xáo trộn về chính trị ở Washington có thể tạo ra cơ hội. Chẳng hạn, Triều Tiên đã tăng cường phát triển vũ khí hạt nhân, và trong 3 tháng tới đây, nước này sẽ tiếp tục cố gắng hoàn tất giai đoạn cuối chu trình thử nghiệm mà không lo bị tấn công phủ đầu.
Trong khi đó, quan ngại an ninh của khu vực về Triều Tiên sẽ đưa Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vào đối thoại tích cực hơn.
Với Nga, 3 tháng cuối năm 2016 sẽ là thời gian tập trung chuẩn bị cho đàm phán với Tổng thống Mỹ tiếp theo. Bởi Barack Obama sắp rời Nhà Trắng, các lãnh đạo Nga hiểu rằng có rất ít cơ hội đạt được một sự dàn xếp về Ukraina hoặc Syria.
Nhưng vẫn còn nhiều việc mà Nga phải làm ở cả hai quốc gia này. Với Ukraine, Nga sẽ vận động người châu Âu giảm bớt cấm vận. Đối thoại giữa Moscow và Kiev có khả năng vẫn giậm chân tại chỗ.
Còn ở Syria, Nga sẽ dựa nhiều hơn vào các chiến thuật quân sự để củng cố vị thế đàm phán. Ngay từ đầu năm, Nga đã cố gắng chứng tỏ mình là một sức mạnh vừa có thể hợp tác vừa có thể phá vỡ trên chiến trường.
Nhưng hạn chế của việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn đã thấy rõ, trong khi đó Mỹ không hề có tâm trạng muốn tích cực dàn xếp bởi Obama còn ít thời gian nữa là mãn nhiệm.
Mỹ sẽ đẩy mạnh tấn công chống IS ở Mosul và Raqqa, tập trung quản lý các lực lượng chiến đấu trên mặt đất và duy trì sự hợp tác ở mức tối thiểu với Nga để giảm bớt xung đột ở Syria. Phía Nga sẽ dồn sức cho chiến trận ở Aleppo để tăng đà trên chiến trường, và củng cố vị thế đàm phán với Tổng thống Mỹ tiếp theo.
Khi Mỹ tăng sức mạnh cho quân nổi dậy Sunni ở Syria và giảm ưu tiên đối thoại với Moscow thì các cuộc đụng độ có thể sẽ gia tăng trong quý cuối cùng của năm 2016.
Với nhiều đồng minh bất an của Mỹ, họ sẽ theo dõi và chờ xem có thể tiếp tục dựa vào những cam kết bảo vệ họ từ Washington hay không.
Sự chia rẽ ở châu Âu càng trở nên sâu sắc khi các phe nhóm chính trị khắp lục địa này kêu gọi thay đổi đối với hiệp ước EU, nhằm khẳng định quyền lợi của quốc gia. Còn tại Trung Đông, các đồng minh của Washington sẽ tận dụng sự rạn nứt giữa Mỹ và Nga để tăng sức mạnh cho các đại diện Sunni trong cuộc cạnh tranh của họ với Iran.
Với phần còn lại của thế giới, các điều kiện kinh tế nghèo khó sẽ góp phần vào tình hình chính trị căng thẳng. Kinh tế toàn cầu tiếp tục trì trệ như trong 9 tháng qua, khi các thị trường chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất.
Những bất ổn xung quanh cuộc bầu cử Mỹ sẽ ngáng trở các cuộc đàm phán thương mại, và có thể sẽ dẫn đến những biến động tiền tệ thất thường với những nước giao dịch nhiều với Mỹ, điển hình là Mexico.
Tâm lý ác cảm với rủi ro có thể còn dẫn đến tình trạng bán tháo các cổ phiếu bấp bênh, đẩy các ngân hàng vốn đã khốn đốn vào một thế giới lãi suất thấp, thậm chí là âm trong một số trường hợp.
Nhưng như thế không có nghĩa rằng tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ phải giải quyết một cơn sóng hoảng loạn ngân hàng toàn cầu, mà ý là bất cứ ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới sẽ phải trải qua một thời gian khó khăn để tìm kiếm sự đồng thuận chính trị cần thiết, nhằm làm chủ một sự thay đổi cấu trúc ngày càng nhiều bất ổn và dai dẳng trong nền kinh tế toàn cầu.
VietBF © sưu tập