Quan hệ giữa Mỹ và Nga trước đây rất căng thẳng nay còn căng thẳng hơn.Sau khi Mỹ tuyên bố lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và thực thể Nga trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Lệnh trừng phạt của Mỹ đưa ra vào thời điểm này được cho là sẽ “đổ dầu” vào mối quan hệ giữa Nga và Ukraine vốn đã căng thẳng gần đây liên quan đến tình hình trên bán đảo Crimea, cũng như làm phức tạp thêm nỗ lực của quốc tế tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.
Các công ty xây dựng chiếc cầu nối liền Nga với bán đảo Crimea là mục tiêu trong danh sách trừng phạt mới của Mỹ. Bộ Tài chính Mỹ cũng bổ sung hàng chục người và công ty vào danh sách đen với cáo buộc những người này liên quan đến việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và ủng hộ lực lượng đối lập ở miền Đông Ukraine.
Theo lệnh trừng phạt mới, mọi cá nhân và thực thể Mỹ bị cấm có giao dịch với những người có tên trong danh sách trừng phạt, qua đó nhằm ngăn chặn những nhân vật này tiếp cận với hệ thống tài chính quốc tế.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết: “Các biện pháp trừng phạt thể hiện những cam kết của Mỹ đối với việc hối thúc Nga thực hiện thỏa thuận hòa bình Minsk cũng như các hành động của Nga liên quan đến bán đảo Crimea. Lệnh trừng phạt cũng thể hiện tình đoàn kết của Mỹ với quyết định của Liên minh châu Âu gia hạn các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đến ngày 31/1/2017”.
Phản ứng trước quyết định này, các quan chức Nga liên quan đến hoạt động xây dựng cây cầu nối liền Nga với Crimea cho biết, các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không ảnh hưởng đến việc xây dựng cây cầu.
Các nhà thầu đã có đủ các nguồn lực cần thiết để hoàn thành dự án đúng kế hoạch. Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga hôm qua cũng bác bỏ những tác động của các biện pháp trừng phạt mới đến hoạt động của Tập đoàn này.
Quyết định gia hạn trừng phạt của Mỹ đưa ra vào thời điểm căng thẳng giữa Nga và Ukraine bùng phát sau khi Nga cáo buộc Ukraine âm mưu tấn công khủng bố bán đảo Crimea, làm lu mờ triển vọng giải quyết cuộc khủng hoảng phía Đông Ukraine. Nhiều nước như Pháp, Đức , Ba Lan trong thời gian qua đã tích cực thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao, kêu gọi Nga và Ukraine tôn trọng thỏa thuận hòa bình Minsk.
Các nước cho rằng, Thỏa thuận Minsk vẫn có hiệu lực và là kim chỉ nam dẫn đường để giải quyết cuộc xung đột. Trong bối cảnh quốc tế đang tích cực thúc đẩy đối thoại giữa Nga và Ukraine thì những biện pháp trừng phạt mới có thể làm phức tạp thêm tình hình, nếu vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía Nga.
Bộ Ngoại giao Nga chưa có phản ứng chính thức về lệnh trừng phạt mới của Mỹ, nhưng Nga trước đó cho rằng các biện pháp trừng phạt liên quan đến Ukraine sẽ hủy hoại những nỗ lực giải quyết cuộc xung đột.
Tổng thống Pháp Francois Hollande mới đây cũng cảnh báo những hậu quả của các biện pháp trừng phạt đối với Nga liên quan đến tình hình Ukraine.
Ông Hollande cho biết: “Tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đã gây sức ép lên mối quan hệ giữa Nga và các nước thành viên Liên minh châu Âu. Tình hình hiện nay theo quan điểm của tôi là không hữu ích. Trước tiên đó là những tổn thất đối với tất cả các bên liên quan, tác động đến các dự án kinh tế do trừng phạt. Vì vậy vì lợi ích của tất cả mọi người là cần phải thoát ra khỏi tình hình hiện nay sớm nhất có thể”.
Thông báo trừng phạt của Mỹ cũng đưa ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra cuối tuần này tại Trung Quốc. Dự kiến Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Putin sẽ có cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị./.