Đường huyết tăng vào ban đêm có thể khiến người bệnh gặp các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, đổ nhiều mồ hôi, khô họng, mờ mắt và đói sau bữa tối.
Giấc ngủ ngon giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Tuy nhiên, các biến chứng bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, khiến đường huyết (lượng đường trong máu) tăng cao. Người bệnh nên nắm rõ dấu hiệu tăng đường huyết vào ban đêm để có biện pháp phòng tránh kịp thời.
Đi vệ sinh nhiều lần
Một trong những cách để cơ thể loại bỏ lượng đường dư thừa hoặc chất thải là thông qua đi tiểu. Khi có có quá nhiều đường trong máu, thận phải làm việc nhiều hơn để loại bỏ nó khỏi cơ thể và điều này khiến bàng quang hoạt động quá mức. Kết quả là người bệnh phải đi vệ sinh nhiều lần trong đêm. Bệnh tiểu đường cũng có nguy cơ làm suy giảm chức năng thận hoặc bàng quang, cả hai đều có thể dẫn đến tiểu đêm nhiều.
Cổ họng khô rát, khô miệng
Mất nước do đi tiểu thường xuyên khiến rát họng, khô miệng. Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, Tiêu hóa và Thận Mỹ (NIDDK), khô miệng trong số những vấn đề phổ biến nhất mà người bệnh tiểu đường gặp phải. Nguyên nhân có thể do mất nước, đường huyết tăng, biến chứng thận tiểu đường hay tác dụng phụ của một số thuốc. Cả khô miệng, họng đều có thể khiến bệnh nhân tiểu đường mất ngủ về đêm.
Ra nhiều mồ hôi
Tình trạng này khiến người bệnh thức dậy thường xuyên với nhiều mồ hôi. Các rối loạn chuyển hóa liên quan đến đường huyết có thể kích thích các tuyến mồ hôi quá mức. Nếu gối hoặc ga trải giường ướt đẫm mồ hôi sau khi thức dậy có thể là kết quả của lượng đường trong máu cao.
Nhìn mờ, thị lực giảm
Người bệnh có cảm giác nhìn mọi thứ mờ đi vào ban đêm, khó đọc thì có thể do bệnh võng mạc tiểu đường. Điều này xảy ra khi lượng đường trong máu cao làm hỏng mạch máu và dây thần kinh trong mắt. Bệnh võng mạc có thể dẫn đến tầm nhìn suy giảm, nhìn mờ.
Đói sau bữa tối
Bệnh tiểu đường có thể gây ra cơn đói cồn cào, cảm giác thèm ăn quá mức ngay cả khi đã ăn nhiều trong bữa tối. Đây là chứng ăn nhiều xảy ra do các vấn đề về insulin cản trở quá trình chuyển glucose (đường) thành năng lượng.
Kiểu thèm ăn này có thể ảnh hưởng đến người bị tăng đường huyết và hạ đường huyết. Đôi khi nó cũng cảnh báo sớm bệnh nhiễm toan đái tháo đường, một biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng do cơ thể sản xuất axit máu quá mức.
Người bệnh thức dậy thường xuyên với cổ họng khô rát, đói cồn cào hoặc nhu cầu đi tiểu liên tục có thể cản trở giấc ngủ sâu. Kiểm soát đường huyết thông qua thay đổi lối sống lành mạnh là điều quan trọng giúp khắc phục những vấn đề này.
Người bệnh nên ăn tối với thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như rau xanh, trái cây, cà rốt, đậu xanh, đậu lăng; tránh đồ ăn vặt và các món giàu đường. Đi bộ và tập thể dục thường xuyên, đồng thời kiểm soát căng thẳng cũng hỗ trợ ngăn chặn các triệu chứng bệnh.
|