Cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ đang gây sức ép lên các ngân hàng lớn nhất nước, khiến lợi nhuận của họ giảm sút.
Hôm 12/7, nhiều ngân hàng lớn của Mỹ công bố báo cáo tài chính quý II. JPMorgan Chase - ngân hàng lớn nhất Mỹ ghi nhận lợi nhuận ròng giảm 9% so với năm ngoái, về 13,1 tỷ USD.
Thu nhập lãi thuần (chênh lệch giữa thu nhập từ lãi và chi phí lãi mà ngân hàng phải trả) là 22,7 tỷ USD, giảm so với quý trước đó. Điều này cho thấy ngân hàng phải tốn kém hơn để thu hút tiền gửi.
Wells Fargo ghi nhận lợi nhuận ròng quý II là 4.91 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập lãi thuần của tài khóa này được dự báo giảm 8-9%.
Citigroup ghi nhận lợi nhuận ròng 3,2 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu cũng tăng, lên 20,1 tỷ USD. Dù vậy, các kết quả này chủ yếu có được nhờ chính sách cắt giảm chi phí thời gian qua. Nhà băng này thậm chí đã phải trích lập dự phòng lỗ trong mảng thẻ tín dụng, khi người dân thắt chặt chi tiêu.
Bên ngoài trụ sở của JPMorgan tại New York (Mỹ). Ảnh: AP
Không chỉ các ngân hàng lớn, các nhà băng nhỏ và trung bình cũng phải chật vật thích ứng với quá trình tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Sau 11 lần liên tiếp được nâng lên để ghìm lạm phát, lãi suất tham chiếu tại Mỹ hiện là hơn 5% - cao nhất 23 năm.
Ban đầu, việc tăng lãi làm tăng lợi nhuận của các ngân hàng lớn nhất nước, vì họ thu được nhiều hơn từ cho vay. Tuy nhiên, sau đó, cuộc cạnh tranh giành tiền gửi của khách hàng nóng lên, khiến thu nhập lãi thuần giảm sút. Lãi suất tăng cao cũng khiến nhiều người vay khó trả nợ.
Tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell ra tín hiệu sớm giảm lãi suất. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn đối mặt với bất ổn chính trị trong và ngoài nước. "Mọi người hẳn cũng biết, đến tháng 11, Mỹ sẽ bầu cử Tổng thống", CEO Citi Jane Fraser cho biết trong buổi công bố báo cáo tài chính.
CEO JPMorgan Jamie Dimon cũng liên tục cảnh báo về rủi ro địa chính trị và lạm phát. Ông cho rằng người Mỹ và các ngân hàng nên chuẩn bị cho viễn cảnh lạm phát cao kéo dài hơn dự kiến.
Cổ phiếu của cả 3 ngân hàng trên đều giảm trong phiên 12/7. Wells Fargo giảm mạnh nhất, với 6%. JPMorgan mất 1% và Citi giảm gần 2%.
Dù vậy, thị trường chứng khoán bùng nổ lại kéo các mảng khác của các nhà băng lên, từ ngân hàng đầu tư, giao dịch đến quản lý tài sản. Trong quý II, JPMorgan ghi nhận doanh thu mảng ngân hàng đầu tư tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mảng này của Citigroup tăng 60% và Wells Fargo tăng 38%. Dù vậy, số liệu của cả Citi và Wells Fargo đều giảm so với quý I.
VietBF@sưu tập