Có rất nhiều nguyên nhân làm cho móng tay yếu mỏng, dễ gãy. Tuy nhiên một vài phương pháp đơn giản, dễ thực hiện tại nhà sẽ giúp móng tay đẹp khỏe hơn...
1. Tránh sơn móng tay quá nhiều
Để có móng tay đẹp, chị em thường sử dụng các biện pháp cắt tỉa, mài dũa, sơn móng tay... Tuy nhiên quá trình này sẽ khiến móng tay bị tổn thương và trở nên yếu mỏng, khô xơ, dễ gãy vụn. Do đó để có móng tay khỏe đẹp cần hạn chế các cách làm đẹp như sau:
- Tránh làm móng gel: Đây là phương pháp làm đẹp móng phổ biến hiện nay, nhưng thường xuyên sử dụng gel có thể làm hỏng móng tay chỉ sau 2-3 lần sử dụng. Bởi quá trình dùng gel cần làm khô sơn, đánh bóng bằng đèn có tia UV. Ngoài các hóa chất có hại trực tiếp cho móng tay, tia UV sẽ góp phần làm móng tay nhanh chóng bị khô giòn và trở nên yếu hơn.
- Tránh một số sản phẩm làm móng: Trước khi sơn móng tay, cần trải qua quá trình cắt tỉa, tẩy sạch móng. Nước tẩy sơn móng tay có chứa hóa chất khiến móng tay bị khô, giòn, dễ gãy, đổi màu, hư hại móng.
- Không sử dụng trực tiếp móng tay làm việc: Nhiều người có thói quen dùng móng tay để cậy, bật nắp chai/lọ hoặc bóc trái cây, nhưng vai trò của móng tay là bảo vệ đầu ngón tay. Tuy chúng có thể mọc dài, cứng nhưng nếu sử dụng sai mục đích thì rất dễ bị tổn thương như gãy, hỏng.
- Không để móng tay quá dài: Móng tay quá dài sẽ dễ dàng bị tổn thương do các tác động vật lý như sử dụng máy tính, vướng mắc dẫn đến gãy, nứt, xước... thậm chí có thể gây bong móng, tổn thương cả đầu ngón tay, rất đau. Do đó, chúng ta nên cắt tỉa móng tay bằng dụng cụ chuyên dùng để giữ móng tay ngắn ở mức độ vừa phải sẽ giúp móng ít bị hư hại hơn.
2. Chế độ ăn để có móng tay đẹp
Khi sức khỏe không tốt, chế độ dinh dưỡng bị thiếu hụt chất thì móng tay, móng chân cũng bị ảnh hưởng. Để chăm sóc móng tay tốt cần có một chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là bổ sung đầy đủ các khoáng chất và vitamin sau:
- Vitamin B:Bổ sung biotin (vitamin H hoặc vitamin B7) là vitamin thiết yếu giúp duy trì sức khỏe của hệ thần kinh, tóc và móng. Biotin nguồn gốc tự nhiên có nhiều trong các thực phẩm như trứng, cá hồi, các loại hạt, họ đậu.
Biotin hòa tan trong nước, dễ đào thải ra ngoài và không tích lũy trong cơ thể. Do đó nên duy trì chế độ ăn uống hằng ngày với thực phẩm giàu biotin.
Ngoài biotin, vitamin B12 đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng móng trở nên khô, thay đổi màu sắc và uốn cong ở phần đỉnh của móng.
- Vitamin A:Là vitamin có tác động đáng kể đến tình trạng sức khỏe của móng. Vitamin A có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển protein, thành phần chủ yếu giúp cấu thành móng. Do đó, nếu thiếu vitamin A có thể gây ra tình trạng móng yếu, dễ gãy và màu sắc của móng không được hồng, bóng.
- Vitamin C: Đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất collagen - một thành phần không thể thiếu cho sự khỏe mạnh của móng và tóc. Khi cơ thể thiếu hụt vitamin C sẽ gây ra hậu quả móng, tóc chậm phát triển, lâu dài, khô và dễ gãy.
- Vitamin D: Nếu cơ thể thiếu vitamin D sẽ dẫn đến khả năng hấp thu canxi giảm. Thiếu canxi là một trong những nguyên nhân làm cho móng trở nên mềm, giòn và dễ gãy, bởi canxi đóng vai trò quan trọng trong sự cứng cáp và độ bền của móng.
Ngoài ra, chế độ ăn cần bảo đảm cung cấp đủ các chất dinh dưỡng khác như acid béo lành mạnh, kẽm, protein, acid clohydric, đồng, canxi, sắt, i-ốt và selen cũng rất quan trọng. Khi chế độ ăn uống không đảm bảo đủ lượng chất dinh dưỡng này, có thể dẫn đến tình trạng móng trở nên giòn và dễ gãy.
- Uống nhiều nước:Thiếu nước sẽ dẫn đến các tế bào trong cơ thể bị yếu, dẫn đến da, tóc, móng đều bị khô. Khi móng tay không được cung cấp đủ nước sẽ bị khô, giòn và dễ gãy. Cần uống đủ từ 1500ml đến 2000ml mỗi ngày tùy theo cân nặng, mức độ hoạt động thể lực của cơ thể để cung cấp đủ nước.
|
|