Tăng hoặc giảm cân nhanh, béo phì, ăn kiêng, ít vận động có thể khiến sỏi mật hình thành và tăng kích thước theo thời gian.
Sỏi túi mật hình thành khi mật có quá nhiều cholesterol, bilirubin, không đủ muối mật hoặc túi mật hoạt động bất thường. Người có sỏi mật kích thước nhỏ hơn 3 cm, không có triệu chứng hoặc biến chứng có thể theo dõi định kỳ, không cần phẫu thuật.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết người bị sỏi mật nhỏ nên thay đổi lối sống, nắm được các yếu tố nguy cơ có thể làm tăng kích thước sỏi, từ đó điều chỉnh thói quen sinh hoạt, tránh ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe.
Tăng cân béo phì
Béo phì là một trong những yếu tố hàng đầu tăng nguy cơ mắc sỏi mật, khiến chúng phát triển. Thừa cân, béo phì gây dư thừa cholesterol trong mật, cholesterol tích tụ lâu dần hình thành sỏi. Người càng béo, nguy cơ phát triển sỏi càng cao, sỏi dễ tăng nhanh kích thước hơn.
Giảm cân nhanh
Giảm cân quá nhanh, tức trên 1,5 kg mỗi tuần, làm tăng khả năng hình thành sỏi mật. Túi mật có vai trò tiết dịch tiêu hóa để phân hủy chất béo trong thức ăn. Khi nhịn ăn, hạn chế calo để giảm cân, túi mật không làm được nhiệm vụ này, khiến dịch mật ứ đọng, theo thời gian dịch liên kết với nhau tạo sỏi và tăng kích thước.
Cân nặng có liên quan đến quá trình hình thành sỏi. Ảnh: Anh Chi
Ăn kiêng
Chế độ ăn kiêng làm thay đổi cân bằng muối mật và cholesterol ở túi mật. Mức cholesterol tăng lên trong khi lượng muối mật giảm. Người ăn kiêng có thói quen nhịn ăn trong thời gian dài, bỏ bữa sáng, ăn ít hơn bình thường, làm giảm các cơn co thắt của túi mật. Nếu túi mật không co bóp thường xuyên để làm rỗng mật, sỏi mật dễ hình thành và phát triển ngày càng lớn.
Ít vận động
Thói quen ít vận động có thể gây tăng cân hoặc làm chậm chuyển động của túi mật, cho phép sỏi mật tích tụ ngày càng nhiều và lớn dần. Tập thể dục hỗ trợ cải thiện chức năng gan mật bằng cách tăng bài tiết muối mật và tăng nhu động ruột, phòng ngừa hình thành sỏi mật.
Hoạt động thể chất còn có tác dụng bảo vệ gián tiếp bằng cách tăng HDL và cải thiện mức chất béo trung tính trong huyết tương, giải phóng insulin giúp giảm bão hòa cholesterol mật. Tiến sĩ Khanh khuyên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, đều đặn các ngày mỗi tuần góp phần giảm khả năng phát triển bệnh sỏi mật.
Tuổi tác
Người lớn tuổi, nhất là trên 40, có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn do suy giảm hoạt động của cholesterol, hạn chế enzyme tổng hợp axit mật. Hoạt động của enzyme này giảm dẫn đến tình trạng bão hòa cholesterol ảnh hưởng đến khả năng làm rỗng túi mật.
Tiến sĩ Khanh khuyến cáo người bệnh sỏi mật có các triệu chứng như đau bụng, sốt, vàng da, đổ mồ hôi, ớn lạnh, nôn mửa cần đến viện để khám, điều trị kịp thời, tránh biến chứng viêm túi mật cấp, nhiễm trùng đường mật, viêm tụy cấp...
VietBF@sưu tập