Muốn luộc thịt lợn thơm ngon, màu đẹp và không bị khô ngoài việc lựa chọn thịt, thời gian chế biến, thì không thể thiếu loại gia vị này trong nhà bếp.
Bí quyết luộc thịt lợn thơm lừng, bắt mắt, không phải ai cũng biết
Thịt lợn luộc là một trong những món ăn chế biến đơn giản nhất nhưng lại dễ ăn,hấp dẫn. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng cách, thịt sau khi luộc sẽ trở nên dai, có mùi hôi và kém ngon. Theo đó, để có món ăn thành công, ngoài việc chọn lựa nguyên liệu, bạn hãy cho thêm những gia vị này khi luộc thịt, thịt sẽ nhả chất bẩn và hết mùi hôi khó chịu.
Ba chỉ luộc là món vừa ngon vừa đơn giản nhưng không phải ai cũng biết cách làm. Ảnh minh họa.
Nguyên liệu
- Thịt lợn: 0,5kg (bạn có thể mua thịt 3 chỉ, thịt mông, thịt vai… tuy nhiên nên chọn phần thịt nào có cả nạc và mỡ trải khắp chiều dài miếng thịt như vậy khi ăn không bị khô mà trình bày lại đẹp mắt).
- 1 thìa muối; hành khô, đường, giấm.
Cách làm thịt luộc
- Thịt lợn rửa sạch cho vào nồi cùng 1 muỗng cà phê muối, đổ nước ngập thịt bắc lên bếp luộc 12 phút. Lúc này bạn sẽ thấy nước thịt sủi bọt lợn cợn ngả màu hãy thay đổ bỏ, rửa lại thịt.
- Tiếp đó thay nước đun lần 2. Lúc này muốn thịt thơm ngọt mà không bị hôi, bạn có thể cho thêm 1 chút giấm, muối, đường và vài lát hành tím vào luộc cùng thịt.
- Về thời gian luộc thịt không thể đoán định chính xác vì còn phụ thuộc vào miếng thịt bạn luộc to hay nhỏ, dày hay mỏng. Nếu mua miếng thịt dày và to, thời gian luộc thịt có thể rất lâu mà chưa chắc đã chín ở trong, trường hợp này bạn bên dùng dao xẻ hoặc khía miếng thịt ra cho dễ chín hơn (bạn nên chọn vết xẻ hay khía trùng với khổ thịt mình định xắt ra khi thái). Thời gian luộc thịt trung bình từ 15-25 phút.
- Một mẹo hay nhà bếp nhà bếp mà nhiều người hay áp dụng là khi thịt chín, bạn chuẩn bị một chiếc nồi khác và đổ nước sôi để nguội vào đó, sau khi gắp miếng thịt từ nồi nước sôi ra thì thả ngay vào nồi nước lạnh, lưu ý là nước lạnh cũng cần ngập miếng thịt cho đến khi cầm miếng thịt thấy đã nguội hẳn là có thể mang ra để ráo nước và thái miếng để ăn. Đảm bảo miếng thịt bạn luộc sẽ chín ngọt, thơm mà trắng hồng.
Cách thái thịt lợn ngon
- Để thái miếng thịt có bề ngang nhỏ thành lát thịt to, bạn hãy nghiêng dao 45 độ thái xéo là sẽ có lát thịt rất đẹp và hấp dẫn.
Cách pha mắm tôm chuẩn ăn kèm thịt luộc
- Mắm tôm pha chuẩn tỉ lệ sẽ rất ngon: Cho 3 thìa canh mắm tôm xay + 2 thìa canh đường hòa tan trong 1 cái chén. Sau đó bạn cho 1 thìa canh rượu + 2 thìa canh nước cốt chanh vào dùng đũa khuấy nhẹ để mắm tôm sủi bọt. Khi ăn cho ớt và tỏi băm vào.
- Thịt lợn luộc chấm mắm tôm ăn kèm chuối chát, khế chua... cùng các loại rau thơm quả là một gợi ý tuyệt vời trong tiết trời se lạnh của miền Bắc.
Một số gia vị "đánh bay" mùi hôi thịt lợn
- Lá chanh, lá nguyệt quế hoặc cỏ mùi: Những loại lá này không chỉ mang lại hương vị hấp dẫn mà còn giúp loại bỏ mùi tanh và chất bẩn. Hãy thêm một ít lá chanh, lá nguyệt quế hoặc cỏ mùi vào nồi nước luộc.
- Chanh hoặc giấm: Để "đánh bay" mùi hôi của thịt lợn trước khi luộc, bạn có thể ngâm thịt trong nước chanh hoặc giấm pha loãng trong khoảng 15-30 phút. Cách này giúp loại bỏ mùi hôi và làm sạch thịt.
- Gừng: Củ gừng có khả năng kháng khuẩn và giúp loại bỏ mùi tanh của thịt. Bạn có thể thêm một lát gừng vào nồi nước luộc để cải thiện hương vị và làm sạch miếng thịt.
- Hành và tỏi: Trong thực tế hành và tỏi cũng có tính chất kháng khuẩn, giúp loại bỏ chất bẩn và mùi tanh thực phẩm. Bạn có thể thêm hai loại gia vị này khi luộc thịt để tăng hương vị và làm sạch thịt.
- Muối: Loại gia vị này không bao giời thiếu trong gian bếp nhà bạn. Sau khi cạo sạch phần lông còn sót lại trên da, bạn rửa thịt với nước sạch, sau đó xát muối lên khắp miếng thịt hoặc rửa thịt với nước muối pha loãng. Nếu miếng thịt dày và to bản, bạn có thể chia thành hai phần để luộc chín đều và nhanh hơn.
Không nên cắt nhỏ miếng thịt tươi trước khi luộc vì thịt sẽ bị co lại, bị khô và nước ngọt tiết ra ngoài. Khi cho thịt vào nồi luộc, bạn hãy thêm một ít muối để giúp loại bỏ vi khuẩn và chất bẩn.
Mẹo hay chọn thịt lợn ngon, sạch
- Về màu sắc: Bạn nên chọn những miếng thịt lợn tươi mới có màu sắc sáng, màu thịt ngon sẽ là màu hồng nhạt hay đỏ nhạt, phần mỡ sẽ có màu trắng trong hơi ngà ngà. Bạn có thể dùng dao cắt thử miếng thịt theo chiều dọc sẽ thấy thớ thịt hơi se lại, bề mặt ráo, lớp bì mềm, đây là thịt tươi ngon.
Lưu ý: Tránh chọn những phần thịt có màu sắc lạ, màu sắc nhợt nhạt, hoặc màu quá sậm. Bề mặt thịt bóng loáng, chạm vào thấy hơi nhớt ở đầu ngón tay thì tuyệt đối không nên mua.
- Về mùi: Thông thường thịt ngon khi ngửi thử sẽ có mùi thơm đặc trưng của thịt, mùi này không gây khó chịu, không có mùi tanh hôi hăng mũi. Đặc biệt khi dùng tay ấn thử vào miếng thịt thấy thịt đàn hồi tốt, sau khi rút tay về thịt trở lại hình dáng ban đầu, trên mặt thịt không tồn tại vết lõm là thịt tươi ngon. Lúc chạm vào thấy thớ thịt săn chắc, không quá cứng cũng không bị nhão, không có dịch nhớt chảy ra thì có thể chọn mua. Ngoài ra, bạn nên chọn những miếng thịt lợn có kết cấu thịt, mỡ riêng biệt, nhưng phải dính chặt vào nhau, dùng tay chạm vào thấy khó tách rời.
Thịt lợn thơm ngon, bổ dưỡng.
Những sai lầm khiến món thịt luộc trở nên kém ngon
- Luộc quá kỹ: Khi luộc thịt nhiều người sợ thịt không đủ chín nên luộc thời gian quá lâ. Tuy nhiên việc đun lâu khiến phần thịt nạc bị khô, lâu hơn nữa thì toàn miếng thịt bị nhũn, bở và mất đi vị ngọt, ăn nhanh ngán. Có thể bạn chưa biết luộc thịt quá lâu cũng ảnh hưởng đến dinh dưỡng. Theo các chuyên gia, trong nhiệt độ 200 – 300 độ C, các axit amin, creatinin, đường và hợp chất vô hại trong thịt sẽ tạo ra phản ứng hóa học, hình thành một số hợp chất có hại. Do đó, khi luộc thịt, bạn chỉ nên luộc vừa chín tới, miếng thịt sẽ giữ được vị ngọt, thơm và độ giòn dễ ăn.
- Mở nắp nồi liên tục: Rất nhiều người có thói quen kiểm tra độ chín của miếng thịt nên thường xuyên chọc đũa, lật thịt trong quá trình luộc. Tưởng đây là một mẹo hay nhưng điều này sẽ khiến chất ngọt trong miếng thịt tiết ra ngoài nhiều, làm mất đi độ ngọt, thịt cũng khô, dai hơn bình thường.
- Hay chế thêm nước lạnh: Nhiều người nghĩ đây là mẹo hay nhưng việc thêm nước lạnh vào nồi nước đang sôi là sai lầm khi luộc thịt mà rất nhiều người mắc phải khi thấy nồi gần cạn. Bởi khi cho thêm nước vào nồi đang sôi nhiệt độ giảm đột ngột sẽ khiến protein và chất béo lập tức kết tủa, các rãnh, khe hở của thịt sẽ co lại và rất khó mềm, phần nạc sẽ bị cứng hơn, mùi vị tươi ngon của thịt cũng bị ảnh hưởng. Do đó bạn nên đổ nước ngập thịt khi luộc, nếu cần cho thêm thì hãy chế nước sôi vào, nếu thấy nước cạn, các bà nội trợ muốn cho thêm nước vào thì hãy dùng nước sôi.
- Thái thịt ngay khi vừa luộc: Khi vừa tắt bếp nhiều người muốn đảm bảo độ nóng nên thái thịt ngay. Tuy nhiên đây là một sai lầm vì lúc này, bạn sẽ khó thái được miếng thịt đẹp, "sắc nét" do nó còn mềm, bở.
Mỗi ngày nên ăn bao nhiêu gram thịt là tốt?
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, nhiều nghiên cứu đã nói về vấn đề mỗi ngày được ăn bao nhiêu thịt? Theo các nhà nghiên cứu dinh dưỡng, một người bình thường không nên ăn quá 300 - 500g thịt đỏ (bò, lợn, bê...) mỗi tuần. Tốt nhất chỉ ăn 2 lần/tuần (khẩu phần 100 - 150g/lần ăn, tùy cân nặng và mức độ béo để tăng giảm phù hợp), và tốt nhất là luộc thịt, hầm thịt.
- Thịt lợn chỉ nên ăn 3 lần/tuần. Không ăn thịt lợn với thịt bò, gan dê, đậu tương vì có thể tương khắc.
- Thịt gà và các loại thịt trắng bình thường chỉ ăn 3 lần/ tuần, lượng không quá 150gr/ngày. Không ăn thịt gà với kinh giới, tỏi, hành sống, thịt chó, gan chó, mận…
- Thịt bò rất giàu calo, đạm, dinh dưỡng. Ăn thịt bò tránh ăn cùng hải sản, thịt lợn, đậu nành, trà… vì chúng kị thịt bò.
- Thịt nạc cũng không ăn quá nhiều hàng ngày vì sẽ dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, xơ cứng động mạch... Các nhà khoa học Anh đã chứng minh, ăn nhiều thịt nạc còn nguy hơn thịt mỡ, bởi thịt nạc khi chế biến sẽ sinh ra chất cysteine gây tổn thương gen, ung thư, đặc biệt là ung thư trực tràng
- Thịt mỡ có nhiều chất béo, ăn nhiều không có lợi cho sức khỏe, về tim mạch như mỡ trong máu cao, xơ cứng động mạch…