Dù được đầu tư hơn 320 triệu USD (gần 8,2 nghìn tỷ đồng) nhưng bến cảng tạm tiếp nhận viện trợ nhân đạo ở Gaza lại sắp bị Mỹ dỡ bỏ. Hàng viện trợ giờ đây phải thông qua cảng biển của Israel.
Ngày 16/6, tờ Reuters cho biết, một quan chức Mỹ giấu tên đưa ra thông báo quân đội nước này chuẩn bị dỡ cảng tạm tiếp nhận hàng hóa viện trợ nhân đạo ở Dải Gaza.
Lý do được đưa ra là vì điều kiện thời tiết xấu, hàng viện trợ vận chuyển đến Gaza sẽ được chuyển sang cảng Ashdod của Israel cho đến khi tình trạng trên biển ở Gaza được cải thiện.
Thực tế cảng tạm hoàn thành xây dựng và bắt đầu tiếp nhận hàng viện trợ vào ngày 17/5. Liên hợp quốc cho biết đã vận chuyển 137 xe tải chở khoảng 900 tấn hàng viện trợ vào Gaza.Tuy nhiên đến ngày 28/5, Mỹ đã đình chỉ hoạt động cảng với lý do sửa chữa. Đến ngày 14/6 vừa qua, Liên hợp quốc khẳng định chưa thể tiếp tục vận chuyển viện trợ từ bến tàu đến các nhà kho của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).
“Nhân viên an ninh của chúng tôi vẫn đang nỗ lực để đảm bảo các điều kiện an toàn thực hiện các công việc nhân đạo”, Phó phát ngôn viên Liên Hợp Quốc Farhan Haq bày tỏ.
Ý tưởng xây dựng cảng tạm trên bờ biển Địa Trung Hải của Gaza để nhận viện trợ nhân đạo bằng đường biển được Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố từ ngày 7/3 khi phát biểu Thông điệp Liên bang, trong bối cảnh nguồn hàng cứu trợ vào Gaza không đủ để xoa dịu thảm họa nhân đạo.
Ước tính chi phí hoàn thành cảng tạm lên tới 320 triệu đô la Mỹ (tương đương 8,2 nghìn tỷ đồng) với khoảng 1.000 quân nhân Mỹ tham gia xây dựng, vận hành.
|