Cà pháo mềm dẻo, dậy mùi thơm của lá lốt, nước sóng sánh và ngọt hậu vị từ mắm tôm. Món chân quê giản dị, rẻ tiền này gắn bó với tuổi thơ nhiều người và dễ bắt vị vào ngày hè oi bức.
Lưu công thức
Nguyên liệu (5)
400 gr cà pháo
1 nắm lá lốt
Hành, tỏi, ớt
Gia vị: Mắm tôm, nước mắm, mì chính (tùy chọn)
Mỡ lợn, tóp mỡ (nếu có)
Cách làm
Tùy theo khẩu vị mà nguyên liệu sẵn có mà dùng cà pháo trắng hoặc cà giống nghệ (vỏ hơi xanh) đều ngon. Cà pháo chọn quả bánh tẻ đều nhau (không non quá hay già quá). Cà mua về đem cắt bỏ cuống.
Dùng dao sắc cắt quả cà làm đôi hoặc ba (tùy kích thước) rồi ngâm vào thau nước muối loãng 10-15 phút giúp cà không bị thâm, đồng thời loại bỏ bớt độc tố trong cà tươi. Sau đó, rửa lại nhiều lần cho sạch.
Một dấu ấn đặc trưng các món dân dã Thái Bình thường có lá lốt, theo Đông y lá lốt vị cay tính ấm sẽ giúp cân bằng âm dương cho cà pháo tính hàn. Lá lốt, tía tô rửa sạch thái nhỏ. Tỏi, hành khô bóc bỏ vỏ, đập dập. Ớt bổ đôi bỏ hạt, thái lá. Để dậy hương thơm đồng quê của món ăn không thể thiếu mắm tôm, nếu mua được mắm tôm khô Thái Bình sẽ chuẩn vị hơn.
Đun sôi nồi nước và chút muối rồi cho cà vào luộc cho mềm vừa loại bỏ bớt độc tố lại giúp khi nấu đỡ xỉn màu. Tiếp đến, phi thơm hành tỏi với mỡ lợn, trút cà vào xào, nêm nước mắm truyền thống, mắm tôm đảo đều cho dậy vị. Sau đó, cho nước sôi xâm xấp cùng tóp mỡ vào nấu cho cà pháo mềm (căn chỉnh theo khẩu vị), nước hơi sanh sánh, nêm nếm lại gia vị cho vừa miệng. Cuối cùng thêm lá lốt, tía tô và ớt vào đảo đều là hoàn thiện.
Yêu cầu thành phẩm: Cà pháo mềm dẻo, có chút cay nhẹ từ ớt, dậy mùi thơm đặc trưng của lá lốt, nước sóng sánh, thoảng hương thơm của mắm tôm và chút ngọt hậu vị. Món chân quê giản dị, rẻ tiền này gắn bó với tuổi thơ nhiều người và dễ bắt vị vào ngày hè oi bức.
Chú ý:
Nên chọn cà pháo bánh tẻ, không nên già quá vì khi xào sẽ lâu mềm cũng không nên non quá sẽ kém vị.
Cà nên ngâm nước muối loãng và luộc sơ để loại bỏ bớt độc tố.
Có thể tận dụng cà muối chua nấu cũng khá ngon.