Giá dầu ngày 23/5 tiếp tục giảm trong phiên thứ tư liên tiếp sau khi biên bản cuộc họp chính sách của Fed hé lộ khả năng thắt chặt tiền tệ nếu lạm phát vẫn cao.Biên bản cuộc họp chính sách diễn ra trong hai ngày 30/4-1/5 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiết lộ rằng các quan chức Fed đã tiến hành các cuộc thảo luận về việc thắt chặt lãi suất hơn nữa nếu lạm phát vẫn ở mức cao, một động thái có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ.
Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn đã giảm 20 cent, tương đương 0,2%, xuống 81,70 USD/thùng lúc 06:51 (giờ GMT) ngày 23/5, trong khi giá dầu WTI của Mỹ giảm 29 cent, tương đương 0,4%, xuống còn 77,28 USD/thùng. Trước đó, cả hai loại dầu thô này đều giảm hơn 1% trong ngày giao dịch 22/5.
Biên bản cuộc họp được Fed được công bố chiều 22/5 cho thấy phản ứng của cơ quan này trước tình trạng lạm phát khó khăn sẽ "liên quan đến việc duy trì" lãi suất chính sách hiện tại nhưng cũng phản ánh các cuộc thảo luận của quan chức Fed về khả năng tăng lãi suất thêm.
"Nhiều người tham gia cuộc họp đã đề cập đến việc sẵn sàng thắt chặt chính sách hơn nữa nếu rủi ro lạm phát xảy ra theo cách mà hành động đó trở nên phù hợp", biên bản của Fed nêu rõ.
Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí đi vay, làm cạn kiệt nguồn vốn có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu dầu mỏ ở Mỹ - quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Tồn kho dầu thô đang đè nặng lên thị trường. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 1,8 triệu thùng trong tuần trước (tuần kết thúc vào ngày 17/5), trái ngược với dự báo giảm 2,5 triệu thùng. Trong khi đó, tồn kho xăng trong tuần trước giảm 900.000 thùng.
Một ngày trước khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ công bố báo cáo tồn kho, Viện Dầu khí Mỹ ước tính lượng dầu thô và nhiên liệu của nước này tăng đáng kể trong tuần trước, với lượng dầu tăng thêm 2,48 triệu thùng và tồn kho xăng tăng 2 triệu thùng.
Trên toàn cầu, thị trường dầu thô giao ngay gần đây đã bị áp lực bởi nhu cầu lọc dầu yếu và nguồn cung dồi dào.
Các nhà phân tích của Citi nhận định, "sự suy yếu của thị trường gần đây là do dữ liệu yếu hơn, bao gồm tồn kho dầu tăng, nhu cầu ảm đạm, biên lợi nhuận của nhà máy lọc dầu suy yếu và nguy cơ cắt giảm hoạt động ngày càng tăng".
Nga cho biết họ đã vượt quá hạn ngạch sản xuất của OPEC+ trong tháng 4 vì "lý do kỹ thuật" và sẽ sớm trình lên Ban thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) kế hoạch khắc phục thiếu sót, Bộ Năng lượng Nga cho biết.
|