Người đàn ông 26 tuổi ở Bắc Kạn mắc ung thư vì chủ quan với vết thương nhỏ trên da. Bác sĩ cảnh báo người dân khi có vết thương loét, trợt, ngứa lâu lành trên nền sẹo bỏng hay vết thương mãn tính không liền được cần khám và điều trị kịp thời, tránh để các vết loét trợt trở nặng, có thể tiến triển thành ung thư.
Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, vừa qua các bác sĩ của bệnh viện đã phối hợp phẫu thuật và điều trị ổn định cho bệnh nhân L.V.N., 26 tuổi, ở huyện Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) bị ung thư biểu mô vẩy.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đỉnh đầu có vết loét trợt, kích thước 4x4cm, chảy nhiều dịch, gây đau nhức. Qua thăm khám và khai thác thông tin, nguyên nhân của khối loét được xuất phát trên nền sẹo bỏng lâu năm trước đó của người bệnh. Sau khi được khám và làm các xét nghiệm cần thiết, người bệnh được chẩn đoán bị ung thư biểu mô vẩy.
Các bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống và khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã phối hợp phẫu thuật và điều trị ổn định cho người bệnh.
BS CKII. Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng khoa Phẫu thuật, Tạo hình và Thẩm mỹ của bệnh viện cho biết: Người bệnh đã được phẫu thuật cắt lọc rộng tổn thương và toàn bộ xương đỉnh, một phần màng cứng, đồng thời tạo hình một thì bằng vạt đùi trước ngoài tự do, đấu nối vào hệ thống mạch máu ở thái dương.
Sau 10 ngày phẫu thuật, sức khỏe người bệnh ổn định, ăn uống, vận động đi lại bình thường, vạt không có tình trạng nhiễm trùng, hồi lưu mạch tốt và được xuất viện.
Qua sự việc của người bệnh N, các bác sĩ cảnh báo người dân khi có vết thương loét, trợt, ngứa lâu lành trên nền sẹo bỏng hay vết thương mãn tính không liền được cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị kịp thời, tránh để các vết loét trợt trở nặng, có thể tiến triển thành ung thư, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và tính mạng.
Ung thư biểu mô tế bào vảy có nguy hiểm không?
Ung thư biểu mô tế bào vảy thường có diễn tiến chậm hơn so với một số loại ung thư khác (ung thư gan, ung thư phổi, ung thư dạ dày…), nên ít đe dọa tính mạng của bệnh nhân hơn. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, sang thương da sẽ tăng kích thước và xâm lấn các cấu trúc sâu hơn, khiến việc điều trị kéo dài, khó khăn và tốn kém.
Khi ung thư tiến triển sâu, bệnh có thể gây tổn thương thần kinh, mạch máu và các cấu trúc xung quanh. Trong một số trường hợp, tế bào ung thư có thể di căn xa đến các cơ quan khác của cơ thể, không thể điều trị khỏi và gây tử vong.
Nếu người bệnh mắc hội chứng suy giảm miễn dịch (HIV) hoặc đang sử dụng thuốc suy giảm hệ miễn dịch sau ghép tạng, mắc bệnh bạch cầu, ung thư biểu mô tế bào vảy có thể phát triển nhanh và nguy hiểm hơn.
Phòng ngừa bệnh ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy
Ung thư da dạng biểu mô tế bào vảy có thể được ngăn ngừa nếu chúng ta thay đổi những thói quen không tốt. Để bảo vệ bản thân khỏi ung thư tế bào vảy, bạn có thể:
- Tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời vào giữa ngày: Từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều là khoảng thời gian lượng bức xạ tia UV mạnh nhất, gây tổn thương da nhiều nhất. Nếu phải tiếp xúc ánh nắng mặt trời, cần sử dụng quần áo bảo vệ hoặc kem chống nắng để tránh tia UV tác động trực tiếp trên da.
- Sử dụng kem chống nắng hàng ngày: Sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF ≥ 15. Thường xuyên thoa lại sau mỗi 2 tiếng hoặc cách mỗi tiếng nếu đổ nhiều mồ hôi, bơi lội. Khi cần ra ngoài vào thời điểm nắng gắt nên mặc quần áo tối màu, vải dệt, che kín tay chân.
- Thường xuyên kiểm tra da: Quan sát và kiểm tra cơ thể nhằm sớm phát hiện những khối u hoặc bất thường trên da. Kiểm tra vùng da ở tay, chân, mặt, tai, vùng cổ, lưng… những thay đổi bất thường như nốt ruồi, tàn nhang, vết bớt, sưng tấy, lở loét… Nếu phát hiện các tổn thương da nghi ngờ, cần nhanh chóng đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất để thăm khám và điều trị.
VietBF@ sưu tập