Ngày 8-5, Bộ Thương mại Mỹ nghe các bên tranh luận để quyết định có công nhận Việt Nam là "nền kinh tế thị trường" hay không.
Tổng thống Mỹ Joe Biden - Ảnh: REUTERS
Bộ Thương mại Mỹ sẽ nghe lập luận từ cả hai phía ủng hộ và phản đối việc nâng quy chế thông qua hình thức trực tuyến vào chiều 8-5 (giờ địa phương) tại thủ đô Washington D.C. Đây là một phần của quá trình đánh giá đến cuối tháng 7.
Năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tiếp tục dành nguồn lực để thúc đẩy quan hệ kinh tế - tài chính giữa Việt Nam và Mỹ, và đề nghị Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Theo Hãng tin Reuters, hiện nay các nhà sản xuất thép và nuôi tôm ở duyên hải vịnh Mexico của Mỹ phản đối việc nâng Việt Nam lên quy chế "kinh tế thị trường", nhưng các nhà bán lẻ và các nhóm kinh doanh khác ủng hộ động thái này.
Việc nâng quy chế như vậy sẽ giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam. Hàng hóa từ các nền kinh tế phi thị trường vốn phải chịu mức thuế cao hơn trong các cuộc điều tra thuế chống bán phá giá.
Năm nay, Ủy ban Thương mại quốc tế của Mỹ đã gia hạn việc áp thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi thuế áp với tôm từ Thái Lan (đã được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường) chỉ ở mức 5,34%.
Bộ Thương mại Mỹ có một bộ tiêu chí để xác định các quốc gia có nền kinh tế thị trường hay không.
Các tiêu chí bao gồm: Khả năng chuyển đổi tiền tệ của quốc gia đó; mức lương theo kết quả thương lượng giữa người lao động và chủ lao động; việc cho phép liên doanh hoặc đầu tư nước ngoài.
Còn có các tiêu chí khác như chính phủ có sở hữu hay kiểm soát các phương tiện sản xuất hay không; chính phủ có kiểm soát việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng hay không...
VietBF@sưu tập