Đây là 3 thứ phổ biến, được dùng nhiều khi nấu nướng nhưng nếu không kiểm soát liều lượng, chúng có thể gây tổn thương đến thận.
Thận là cơ quan trao đổi chất quan trọng của cơ thể, chức năng thận hoạt động bình thường giúp quá trình chuyển hóa dinh dưỡng và đào thải chất độc hại diễn ra thuận lợi hơn.
Các chế độ ăn uống kém lành mạnh có thể gây tổn hại đến sức khỏe của thận. Theo đó có 3 thứ cực hại cho thận nếu lạm dụng quá nhiều nhưng thường bị mọi người bỏ qua.
3 thứ khiến thận suy hỏng nếu ăn quá nhiều
1. Mỡ lợn
Mỡ lợn thường được sử dụng nhiều khi nấu ăn bởi nó tạo ra hương vị thơm ngon, béo ngậy cho món ăn. Tuy nhiên, sử dụng mỡ lợn quá nhiều có thể gây ra các vấn đề cho sức khỏe.
Mỡ lợn chứa hàm lượng axit béo bão hòa cao, ăn quá nhiều trong thời gian dài có thể dẫn đến thừa cân, béo phì, tăng lipid máu, tăng huyết áp, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tim mạch. Các bệnh lý này nếu không được kiểm soát kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng ở thận.
Ngoài ra, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc hấp thụ quá nhiều axit béo bão hòa có thể thúc đẩy các phản ứng viêm và làm suy giảm chức năng thận.
2. Đường trắng
Đường trắng là một loại gia vị giúp tạo độ ngọt cho món ăn, được sử dụng nhiều trong quá trình nấu nướng. Tiêu thụ đường với mức vừa phải không gây ảnh hưởng tới sức khỏe tuy nhiên, nếu lạm dụng quá nhiều, loại gia vị này có thể gây hại cho thận.
Tương tự như mỡ lợn, thường xuyên tiêu thụ các thực phẩm chứa nhiều đường có thể dẫn đến thừa cân – béo phì, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2. Đái tháo đường không được điều trị có thể làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong thận, khiến thận mất dần chức năng lọc, gây suy thận.
Bên cạnh đó, tiêu thụ quá nhiều đường ức chế cơ thể sản xuất oxit nitric (NO), một hợp chất giúp giãn mạch. Do đó, ăn nhiều đường thúc đẩy sự thu hẹp của mạch máu, gây tăng huyết áp. Tình trạng tăng huyết áp không được điều trị kịp thời có thể tăng nguy cơ mắc suy thận mạn tính.
3. Muối
Ăn quá nhiều muối cũng là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới chức năng thận.
Khi chúng ta ăn quá nhiều muối, thận sẽ phản ứng lại bằng cách giữ lại nước để pha loãng lượng muối hấp thụ vào. Đây là một biện pháp giúp cân bằng nồng độ của các chất điện giải trong máu nhằm giữ cho tim hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, điều này cũng vô tình tạo ra áp lực cho thận. Tình trạng này kéo dài có thể gây tổn thương cho thận và cơ tim.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên giảm lượng muối ăn vào. Khi nấu ăn, mọi người nên nêm nếm gia vị vừa phải, hạn chế cho quá nhiều muối vào thức ăn để tránh ăn quá nhiều muối.
Ăn quá nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng tới chức năng thận. (Ảnh minh họa)
Một số thói quen gây hại thận
Ngoài việc nạp quá nhiều muối, đường và axit béo bão hòa, việc duy trì một số thói quen kém lành mạnh cũng có thể gây hại cho thận.
1. Nhịn tiểu
Nhiều người có thói quen nhịn tiểu do bận rộn làm việc, tuy nhiên thường xuyên nhịn tiểu có thể gây hại cho cơ thể. Nhịn tiểu thường xuyên có thể khiến các chất độc hại không được đào thải ra khỏi cơ thể kịp thời, thậm chí chúng có thể chảy ngược lại vào niệu quản và xâm nhập vào thận, gây nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bể thận.
2. Lười uống nước
Hầu hết các cơ quan của cơ thể con người đều cần nước để duy trì hoạt động, bao gồm cả gan, thận, mạch máu và da.
Uống quá ít nước có thể khiến cơ thể không sản xuất đủ lượng nước tiểu, từ đó gây cản trở quá trình đào thải các chất cặn bã trong cơ thể ra bên ngoài. Các chất cặn bã bao gồm cả khoáng chất sẽ lắng đọng và kết tinh lại với nhau, tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
Nhìn chung sỏi ít có khả năng hình thành khi bạn uống đủ nước. Tổ chức Thận Quốc gia, Mỹ cho biết, một người nên uống 8-12 cốc nước mỗi ngày để bảo vệ sức khỏe của thận.
3. Lạm dụng thuốc
Tổ chức Thận Quốc Gia Hoa Kỳ (NKF) cho biết tương tự như uống nhiều rượu, những người lạm dụng thuốc giảm đau hoặc các loại thuốc khác có nguy cơ mắc các vấn đề về thận cao hơn. Đặc biệt, những người thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau mà không được kê đơn có nguy cơ cao mắc bệnh thận. Các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên tự ý sử dụng thuốc và chỉ nên uống thuốc theo đơn của bác sĩ.
4. Thường xuyên thức khuya
Nam giới thường có xu hướng thức khuya để làm việc hoặc tụ tập bạn bè. Tuy nhiên, thường xuyên thức khuya và ngủ không đủ giấc có thể gây rối loạn đồng hồ sinh học và ảnh hưởng tới nội tiết.
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng thiếu ngủ, rối loạn giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch. Đây là 2 bệnh lý có thể gây ảnh hưởng chức năng thận.
VietBF@sưu tập