Theo khuyến nghị từ Viện Tiểu đường, Tiêu hóa và Thận Quốc gia Hoa Kỳ, những người mắc bệnh tiểu đường nên tích hợp trái cây trong chế độ ăn cân đối của mình. Do trái cây giàu chất xơ, chúng giúp làm chậm việc hấp thụ đường, giảm tác động tới đường huyết. Tuy nhiên, người tiểu đường cần thận trọng với một số loại trái cây có thể gây ảnh hưởng lớn đến lượng đường trong máu và nên hạn chế hoặc cân nhắc kỹ lượng trái cây tiêu thụ.
Trái cây chứa nhiều carbohydrate
Carbohydrate là một thành phần dinh dưỡng thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tổng quát. Tuy nhiên, số lượng carbohydrate tiêu thụ có thể ảnh hưởng nhiều đến mức đường trong máu.
Trong 100 g nho đỏ có chứa 20,2g carb, chuối có 20,1g, táo có 15,6g, xoài có 15g và dứa có 13,1g carbohydrate. Dù các loại trái cây này chứa lượng carbohydrate cao, chúng cũng rất giàu vitamin, khoáng chất và nhiều dưỡng chất bổ ích khác. Những người đang cố gắng giảm lượng carbohydrate trong chế độ ăn của mình nên cân nhắc kỹ lượng trái cây họ tiêu thụ để không vượt quá mức cần thiết.
Trái cây sấy khô
Trái cây sấy khô có hàm lượng đường tập trung cao hơn do quá trình loại bỏ nước, và đôi khi còn được phủ thêm đường để tạo hương vị ngọt ngào hơn, có thể gây ra tình trạng tăng đường huyết.
Một số loại trái cây sấy khô thường gặp bao gồm mơ sấy, dứa sấy, nho khô và chà là, đều chứa lượng đường đáng kể. Hiệp hội Tiểu đường Mỹ (ADA) khuyên rằng việc tiêu thụ trái cây sấy khô trong lượng vừa phải, chọn lựa các loại không thêm đường, hay kết hợp chúng với thực phẩm giàu chất xơ và protein như hạt có thể hữu ích.
Các loại hạt giàu chất béo tốt, chất xơ và protein giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và làm giảm nguy cơ tăng đường huyết nhanh chóng.
Trái cây đóng hộp dạng sirô
Trái cây đóng hộp trong sirô cũng giống như trái cây sấy khô, thường có chứa hàm lượng đường cao do thêm vào. Chẳng hạn, một cốc cocktail trái cây pha trong sirô có thể chứa lượng đường bổ sung lên tới khoảng 6,5 thìa cà phê.
Trái cây chứa nhiều đường
Dưa hấu, nho, xoài, anh đào và chuối là những loại trái cây có hàm lượng đường tự nhiên cao. Tuy nhiên, người mắc bệnh tiểu đường không nhất thiết phải cắt bỏ hoàn toàn những loại trái cây này khỏi chế độ ăn uống của mình. Dù chúng chứa đường, chúng cũng là nguồn cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất xơ cần thiết và có lợi.
Những thành phần như vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa trong trái cây đều đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tổng thể, trong khi chất xơ giúp ổn định lượng đường trong máu. Quan trọng là phải hiểu rõ lượng đường có trong mỗi loại trái cây và tiêu thụ chúng một cách điều độ.
Bổ sung một khẩu phần trái cây vào chế độ ăn hàng ngày và kết hợp chúng với các thực phẩm giàu protein hoặc chất béo lành mạnh khác có thể mang lại lợi ích. Thí dụ, ăn quả mọng cùng với sữa chua Hy Lạp hoặc ăn táo với bơ hạnh nhân có thể giúp kiểm soát lượng đường huyết tốt hơn.
|