Vụ khởi tố, tạm giam Bí thư Bắc Giang Dương Văn Thái gây chú ý sau khi trợ lý của ông Vương Đình Huệ cũng bị bắt liên quan vụ án tập đoàn Thuận An.
Trước khi có thông cáo của Thường vụ Quốc hội đồng ý cho khởi tố, bắt tạm giam, khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Dương Văn Thái, Bí thư Bắc Giang được xác định đã vắng mặt nhiều ngày và không tham gia nhiều sự kiện quan trọng ở địa phương.
Vì sao muốn bắt Bí thư Bắc Giang phải được Quốc hội cho phép?
Hiến pháp Việt Nam quy định không được bắt, giam giữ, khởi tố Đại biểu Quốc hội mà không có sự đồng ý của Quốc hội hay trong thời gian Quốc hội không họp hoặc không có sự đồng ý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Do đó, việc bắt, khởi tố ông Dương Văn Thái – Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang, đại biểu Quốc hội khóa XV, buộc phải có sự đồng ý của Thường vụ Quốc hội.
Giải thích rõ hơn về việc này, ông Nguyễn Đình Quyền - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, với trường hợp của Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái, do ông Thái là đại biểu Quốc hội khóa XV, nên căn cứ các quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, trong thời gian Quốc hội không họp, việc khởi tố, bắt tạm giam, khám xét đối với ông này phải có sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng với đó, việc đề nghị khởi tố, bắt tạm giam, khám xét với ông Thái thuộc thẩm quyền của viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu Quốc hội của ông Thái từ ngày có quyết định khởi tố bị can.