Theo một số quan sát viên dự báo, với sự phát triển bền vững Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc lớn thứ 3 thế giới chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.Ấn Độ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. GDP bình quân đầu người của Ấn Độ đã tăng 55% trong giai đoạn năm 2014 - 2023, ghi nhận sự tăng trưởng GDP nhanh nhất so với các nền kinh tế lớn khác. Bởi vậy, quốc gia này đã tăng hạng xếp loại, từ vị trí thứ 9 lên thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới.
Ngày 19/4, Ấn Độ bước vào cuộc tổng tuyển cử được xem là cuộc bầu cử lớn hàng đầu thế giới với dân số hơn 1,4 tỷ người và gần 970 triệu cử tri. Người dân nước này kỳ vọng Thủ tướng Narendra Modi tiếp tục được tín nhiệm hướng tới nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp. Dưới sự lãnh đạo của ông, Ấn Độ đang trên hành trình trở thành một cường quốc kinh tế của thế kỷ 21, là sự lựa chọn của các nhà đầu tư lớn như Trung Quốc hay các thương hiệu tiêu dùng hàng đầu.
Trong khi tình hình chính trị trên thế giới có nhiều biến động, Ấn Độ vẫn duy trì mối quan hệ tốt đẹp với hầu hết các nền kinh tế lớn và đang chào đón đầu tư để thành lập nhà máy tại đất nước này.
Duy trì sự phát triển bền vững
Năm 2023, kinh tế Ấn Độ đạt 3,7 nghìn tỷ đô la, trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới trong thập kỷ Thủ tướng Narendra Modi đảm nhiệm chức vụ.Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã chứng kiến sự dịch chuyển từ nền kinh tế dựa vào nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ. Ngành công nghiệp và dịch vụ đã trở thành nguồn thu nhập chính của đất nước này.
Với sự đa dạng về cơ cấu ngành, kinh tế Ấn Độ đã trải qua một sự đổi mới và mức tăng trưởng bình quân đạt 6% trong vài năm tới. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng nếu muốn trở thành một siêu cường kinh tế, Ấn Độ nên đặt mục tiêu tăng trưởng trên 8% hoặc hơn.Sự mở rộng bền vững có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Ấn Độ lên cao hơn trong danh sách các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Một số quan sát viên dự báo, vào năm 2027, Ấn Độ có thể trở thành quốc gia lớn thứ 3 chỉ sau Hoa Kỳ và Trung Quốc, là một khả năng có thể xảy ra dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó bao gồm tăng trưởng dân số, lượng dân số dồi dào này có thể trở thành một lợi thế nếu được quản lý và sử dụng hiệu quả để tạo ra nguồn lao động và thị trường tiêu thụ lớn.Về tiềm năng thị trường nội địa cũng có tín hiệu tích cực khi Ấn Độ đang phát triển một thị trường tiêu thụ lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ và hàng tiêu dùng. Sự mở rộng bền vững có thể tạo ra cơ hội kinh doanh cho các công ty trong và ngoài nước.
Theo Guido Cozzi, giáo sư kinh tế lượng tại Đại học St Gallen ở Thụy Sĩ, Ấn độ sẽ có "hiệu ứng rò rỉ xuống (trickle-down effect) trên GDP bình quân đầu người" khi nền kinh tế phát triển. Đây là hiện tượng mà tăng trưởng kinh tế hoặc các hoạt động kinh tế tại một ngành, khu vực hoặc quốc gia có thể lan tỏa và tạo ra lợi ích cho GDP bình quân đầu người của nền kinh tế đó. Cụ thể, khi một ngành hoặc khu vực phát triển mạnh mẽ, nó có thể tạo ra cơ hội việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động, thu hút đầu tư và thúc đẩy sự tiêu dùng, tất cả đều góp phần vào việc nâng cao GDP bình quân.
Tuy nhiên, ông Guido Cozzi cũng cảnh báo, hiệu ứng rò rỉ không phải lúc nào cũng phân phối công bằng và có thể gây ra sự chênh lệch và bất bình đẳng trong xã hội. Để tận dụng tối đa hiệu ứng rò rỉ và đảm bảo sự bền vững của tăng trưởng kinh tế, cần phải có các chính sách phân phối lợi ích, đầu tư vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, và đảm bảo sự phát triển bền vững của hạ tầng và môi trường kinh doanh...
Xây dựng Ấn Độ hiện đại
Giống như Trung Quốc đã làm hơn ba thập kỷ trước, Ấn Độ bắt đầu một cuộc đổi mới cơ sở hạ tầng bằng cách chi hàng tỷ đô la vào việc xây dựng đường cao tốc, cảng biển, sân bay và đường sắt. Trong ngân sách liên bang năm 2024, Ấn Độ dành 134 tỷ đô la cho chi phí vốn để thúc đẩy sự mở rộng kinh tế, đảm bảo tăng trưởng bền vững với nhiều dự án cụ thể điển hình.
Trong giai đoạn từ năm 2014 - 2023, Ấn Độ đã xây dựng thêm gần 55.000 kilomet (khoảng 35.000 dặm) vào mạng lưới đường cao tốc quốc gia, tăng khoảng 60% về chiều dài tổng cộng. Phát triển cơ sở hạ tầng mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, bao gồm tạo việc làm và cải thiện sự thuận lợi trong kinh doanh.
Những năm gần đây, Ấn Độ cũng đã xây dựng một loạt các nền tảng công nghệ - được biết đến là cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số thúc đẩy biến đổi cuộc sống và doanh nghiệp. Điển hình với chương trình Aadhaar, được khởi đầu vào năm 2009, đã cung cấp chứng minh danh tính cho hàng triệu người Ấn Độ lần đầu tiên.
Một nền tảng khác, Giao diện Thanh toán Thống nhất (UPI) là một hệ thống thanh toán điện tử ở Ấn Độ cho phép người dùng chuyển tiền ngay lập tức từ tài khoản ngân hàng của họ đến tài khoản của người nhận. Nó giúp người dùng tiết kiệm thời gian, giảm chi phí và tăng cường tính an toàn trong quá trình giao dịch tài chính.
Theo trích dẫn một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023, Thủ tướng Narendra Modi nhận định rằng nhờ vào cơ sở hạ tầng công cộng kỹ thuật số của mình "Ấn Độ đã đạt được mục tiêu bao gồm tất cả dân cư, tài chính chỉ trong vỏn vẹn 6 năm, điều này ít nhất cũng phải mất 47 năm."
Khuyến khích, thu hút đầu tư
Ấn Độ cũng triển khai chương trình khuyến khích sản xuất có liên quan đến sản lượng trị giá 26 tỷ đô la nhằm thu hút các công ty đến đặt nhà máy sản xuất trong 14 lĩnh vực, từ điện tử và ô tô đến dược phẩm và thiết bị y tế.Do đó, một số trong những tập đoàn lớn nhất thế giới, bao gồm nhà cung cấp của Apple (AAPL) - Foxconn, đang mở rộng hoạt động của họ một cách đáng kể tại Ấn Độ.
Mới đây, Tỷ phú Elon Musk cho biết ông "rất mong đợi" được gặp gỡ Thủ tướng Narendra Modi tại Ấn Độ, mặc dù không nêu ngày tháng cụ thể. Ông chủ của Tesla (TSLA) được dự đoán sẽ công bố một khoản đầu tư lớn tại Ấn Độ trong thời gian sắp tới, với thông tin cho biết hãng sản xuất ô tô đang tìm kiếm một vị trí phù hợp cho nhà máy đầu tiên tại châu Á ngoài Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc Apple bắt đầu sản xuất các thiết bị iPhone 14 mới tại Ấn Độ chỉ vài tuần sau khi chúng được bán ra vào tháng 9 năm 2022 là một phản ánh của sự tăng cường mối quan hệ giữa Apple và Ấn Độ, cũng như là một phần của chiến lược của Apple trong việc mở rộng sản xuất tại các quốc gia khác nhau.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys, tỷ lệ sản xuất iPhone tại Ấn Độ sẽ tăng từ 6% vào năm 2022 lên đến 23% vào cuối năm 2025. Các nhà phân tích đánh giá, sự hiện diện của Apple tại Ấn Độ có thể tạo ra một hiệu ứng domino, thúc đẩy các nhà sản xuất điện tử toàn cầu khác để xem xét việc mở rộng hoạt động sản xuất tại đất nước này. Điều này có thể tạo ra một chuỗi phản ứng tích cực, tăng cường tiềm năng đầu tư và phát triển kinh tế của Ấn Độ.
Siêu cường thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán ở Ấn Độ là một trong những thị trường chứng khoán lớn và phát triển nhất thế giới với quy mô hàng trăm công ty niêm yết và hàng ngàn công ty đang giao dịch cổ phiếu. Được biết đến với tên gọi Bombay Stock Exchange (BSE) và National Stock Exchange of India (NSE), thị trường chứng khoán Ấn Độ cung cấp một nền tảng quan trọng cho việc giao dịch cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác.
Theo Macquarie Capital, những nhà đầu tư bán lẻ một mình đã sở hữu 9% giá trị thị trường cổ phiếu của Ấn Độ, trong khi nhà đầu tư nước ngoài có mức sở hữu ở mức 20%. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự kiến, đầu tư từ nước ngoài sẽ tăng trong nửa cuối năm 2024, sau khi cuộc bầu cử đã kết thúc.
Đẩy mạnh phát triển năng lượng xanh
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng trở thành địa điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư vào năng lượng xanh và hiện đang xây dựng một số nhà máy năng lượng xanh lớn nhất thế giới. Trong đó có dự án năng lượng mặt trời Ultra Mega Solar Park ở Kutch, bang Gujarat. Dự án này dự kiến sẽ có công suất lên tới hàng ngàn megawatt và khi hoàn thành sẽ là một trong những nhà máy năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào các dự án năng lượng gió và năng lượng sạch khác. Các nhà máy điện gió lớn như nhà máy điện gió Muppandal ở Tamil Nadu và nhà máy điện gió Jaisalmer ở Rajasthan đã đóng góp đáng kể vào năng lượng sạch của đất nước.
Các dự án năng lượng xanh này không chỉ giúp Ấn Độ giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của đất nước. Đồng thời, chúng cũng tạo ra cơ hội việc làm mới và thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.
Thách thức từ vấn đề việc làm
Trước những thuận lợi trên, nền kinh tế của Ấn Độ cũng như hệ thống dân chủ của nước này vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cần được giải quyết. Nếu tái đắc cử, Thủ tướng Narendra Modi phải giải quyết thách thức to lớn là tạo ra hàng trăm triệu việc làm cho người dân phần lớn vẫn còn nghèo khó.
Với độ tuổi trung bình là 29, Ấn Độ là một trong những quốc gia có dân số trẻ nhất thế giới nhưng quốc gia này vẫn chưa thể tận dụng được những lợi ích kinh tế tiềm năng từ dân số đông và trẻ của mình.Theo báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế, những người Ấn Độ có trình độ học vấn trong độ tuổi từ 15 đến 29 có nhiều khả năng thất nghiệp hơn những người không được đi học, điều này phản ánh "sự không phù hợp giữa nguyện vọng và công việc hiện có của họ". Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên Ấn Độ có bằng tốt nghiệp là hơn 29%, cao hơn gần 9 lần so với những người không biết đọc hoặc viết.
Báo cáo viết thêm: "Nền kinh tế Ấn Độ đã không thể tạo đủ việc làm được trả lương trong các lĩnh vực phi nông nghiệp cho những người mới gia nhập lực lượng lao động trẻ có trình độ học vấn, điều này được phản ánh qua tỷ lệ thất nghiệp cao và ngày càng tăng".
Để giải quyết vướng mắc này, Ấn Độ cần cải cách chính sách việc làm một cách phù hợp và hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của người lao động, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước.
|
|