Các dự án đóng tàu mới của hải quân Mỹ, từ tàu ngầm tới tàu sân bay, sẽ bị trì hoãn 1-3 năm do tác động kéo dài của Covid-19 đối với nguồn nhân lực và chuỗi cung ứng.
Hải quân Mỹ tuần này công bố báo cáo cho biết nhiều chương trình vũ khí hàng đầu của lực lượng này sẽ bị chậm tiến độ, từ ít nhất một năm đến ba năm so với thời điểm ghi trong hợp đồng.
Trễ hẹn lâu nhất là hai dự án tàu ngầm lớp Virginia phiên bản Block IV và khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Constellation, đều sẽ được bàn giao sau ít nhất 36 tháng nữa.
Một số cái tên đáng chú ý khác bao gồm tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Columbia đầu tiên, dự án được Bộ Quốc phòng Mỹ ưu tiên hàng đầu. Hải quân nước này dự kiến chỉ tiếp nhận chiếc tàu 12-16 tháng sau thời điểm bàn giao ban đầu là tháng 10/2027.
Đây được coi là vấn đề nghiêm trọng do hải quân Mỹ bắt buộc phải có ít nhất 10 tàu ngầm tên lửa đạn đạo ở trạng thái sẵn sàng triển khai trong mọi thời điểm. Trong bối cảnh các tàu ngầm lớp Ohio sắp bị loại biên, việc dự án tàu Columbia bị trễ hẹn sẽ khiến hải quân Mỹ không thể đáp ứng được yêu cầu trên.
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan và John C. Stennis đi qua Biển Philippines tháng 11/2018. Ảnh: Hải quân Mỹ
Dự án đóng tàu sân bay lớp Ford thứ ba USS Enterprise cũng sẽ bị trì hoãn khá lâu, dự kiến trễ hẹn 18-26 tháng. Tàu lớp Ford trước đó cũng nhiều lần bị chậm tiến độ trong quá trình phát triển.
Nickolas Guertin, quan chức phụ trách mua sắm của hải quân Mỹ, nói việc trễ hẹn sẽ khiến các dự án bị tăng đáng kể chi phí. Ông cho biết nguyên nhân khiến nhiều chương trình bị trì hoãn là do tác động kéo dài của đại dịch Covid-19 đối với nguồn nhân lực và chuỗi cung ứng, cũng như bởi tình trạng thiếu đầu tư trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Hải quân Mỹ trước đó cũng cho biết sẽ lùi thời điểm khởi đóng tàu ngầm SSN(X), khí tài được kỳ vọng giúp Washington thống trị lòng biển, thêm ít nhất 5 năm do thiếu ngân sách.
Các thông tin được công bố trong bối cảnh giới chức Mỹ đang lo ngại rằng nước này có thể đánh mất ưu thế về hải quân trước Trung Quốc.
Báo cáo tình báo rò rỉ tháng 9/2023 của hải quân Mỹ cho thấy năng lực các nhà máy đóng tàu của Bắc Kinh có công suất 23,2 triệu tấn, trong khi con số này ở phía Mỹ là dưới 100.000 tấn.
Lầu Năm Góc tháng 10 cùng năm nhận định Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân "lớn nhất thế giới" với 370 phương tiện, bao gồm tàu chiến mặt nước cỡ lớn, tàu ngầm, tàu đổ bộ viễn dương, tàu rải mìn, tàu sân bay và đội tàu phụ trợ.
Con số này dự kiến tăng lên 395 chiếc vào năm 2025 và 453 chiếc vào năm 2030.
Trong khi đó, hải quân Mỹ hiện chỉ có 300 tàu. Giới chức nước này có kế hoạch bổ sung 282-340 chiếc từ giờ đến năm 2052, nâng quy mô lực lượng lên mức 316-367 chiếc sau khi trừ đi số tàu dự kiến bị loại biên.
Hải quân Mỹ đang nghiên cứu khả năng sử dụng phương tiện không người lái để bổ trợ, song chưa rõ liệu loại khí tài này có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu trong trường hợp xảy ra xung đột ở Thái Bình Dương hay không.