Nghiên cứu của Hiệp hội Ung thư Mỹ dự đoán tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ở các nước nghèo tăng nhanh trong hai thập niên tới, do thiếu các phương tiện ngừa, chẩn đoán ung thư.
Báo cáo công bố hôm 5/4, trên Tạp chí Ung thư Dành cho Bác sĩ Lâm sàng. Dữ liệu cho thấy vào năm 2022, thế giới ghi nhận 20 triệu ca ung thư và 9,7 triệu người tử vong do căn bệnh này. Ước tính cho thấy cứ 5 người thì một người sẽ mắc ung thư vào thời điểm nào đó trong tương lai, trong đó tỷ lệ ở nam giới là một trên 9 và nữ giới là một trên 12.
Số người mắc ung thư trên thế giới có thể lên tới 35 triệu vào năm 2050, tăng 77% so với năm 2022. Số ca tử vong sẽ tăng gần gấp đôi kể từ năm 2012 lên hơn 18 triệu, theo tiến sĩ William Dahut, Giám đốc Khoa học của Hiệp hội Ung thư Mỹ. Việc sử dụng thuốc lá, uống rượu, béo phì và già hóa dân số là những yếu tố chính dẫn đến tỷ lệ mắc ung thư ngày càng tăng.
Theo tiến sĩ Dahut, những nguyên nhân gây ung thư thường thấy ở các nước thu nhập cao giờ chuyển sang quốc gia thu nhập thấp. Đây là những nơi không có đủ công cụ để phát hiện, điều trị ung thư sớm và ngăn ngừa rủi ro bệnh tật. Các chuyên gia lo ngại tỷ lệ mắc bệnh và tử vong sẽ tăng lên, đặc biệt ở các quốc gia thuộc thế giới thứ ba.
"Ung thư là một làn sóng thủy triều sẽ tràn vào cộng đồng này", ông nói, nêu ví dụ các hình thức xét nghiệm như chụp quang tuyến vú không phổ biến ở nhiều nơi, chẳng hạn ở châu Phi.
Các số liệu cho thấy cứ 12 phụ nữ ở các quốc gia có thu nhập cao thì có một người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú trong đời và một trong 71 phụ nữ sẽ chết vì căn bệnh này. Ở các nước nghèo hơn, cứ 27 phụ nữ thì chỉ có một người được chẩn đoán mắc bệnh trong đời, cứ 48 người thì có một người chết vì căn bệnh này. Phụ nữ ở nước nghèo khả năng được chẩn đoán thấp hơn 50% so với phụ nữ ở nước giàu, khiến họ có nguy cơ tử vong cao hơn nhiều bởi chẩn đoán muộn và không được tiếp cận đầy đủ phương pháp điều trị chất lượng.
"Chúng ta phải giải quyết thảm kịch xã hội và gánh nặng kinh tế này, ngăn chặn hàng triệu ca tử vong do ung thư thông qua các khoản đầu tư chiến lược. Đã đến lúc thu hẹp khoảng cách và cứu sống mọi người trên toàn cầu", tiến sĩ Jean-Yves Blay, giám đốc chính sách công tại Hiệp hội Ung thư Y tế châu Âu, cho biết.
Theo ông, cần có hành động "nhanh chóng và quyết đoán" để giảm ô nhiễm, giảm tiếp xúc với amiăng và các chất gây ung thư khác, giảm thiểu các hành vi làm tăng nguy cơ ung thư cũng như giải quyết các trở ngại, sự do dự trong tiêm chủng phòng ngừa các bệnh ung thư (có thể phòng ngừa được).
VietBF@sưu tập
|