War Zone nhận định, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy Không quân Mỹ sắp thử tên lửa siêu vượt âm AGM-183 ARRW ở Guam, động thái nếu xảy ra sẽ là chưa có tiền lệ ở Thái Bình Dương.
Tuần trước, Không quân Mỹ đã đăng ảnh chụp tên lửa AGM-183A bên dưới cánh máy bay ném bom B-52H tại Căn cứ Không quân Andersen trên đảo Guam của Mỹ tại Thái Bình Dương. Quả tên lửa này được đem đến đây để cho các đội bay B-52 huấn luyện làm quen, theo tuyên bố ngày 27/2.
Không quân Mỹ đến nay không xác nhận hoặc phủ nhận họ có kế hoạch phóng ARRW từ Guam. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy Mỹ sắp thử nghiệm loại tên lửa siêu vượt âm.
Giới quan sát chỉ ra, nội dung các cảnh báo công khai cho phi công và thủy thủ có hiệu lực vào cuối tuần qua gợi ý rằng Mỹ sẽ thử nghiệm loại vũ khí phóng từ trên không trên Tây Thái Bình Dương trong tuần này.
Các khu vực trong phạm vi cảnh báo hợp lại tạo ra con đường kết thúc tại Bãi thử Reagan ở Đảo san hô Kwajalein, cách Guam hàng nghìn dặm về phía đông. Điều này phù hợp với cơ chế hoạt động của ARRW, theo War Zone.
Cấu tạo của ARRW chủ yếu bao gồm một tên lửa đẩy cỡ lớn và phương tiện lượn siêu vượt âm. Sau khi tên lửa đẩy đầu đạn đến độ cao và tốc độ tối ưu, động cơ và phần mũi sẽ rơi ra, để lộ phương tiện lượn siêu vượt âm. Phương tiện này sẽ đi theo đường bay tương đối thấp đến mục tiêu ở tốc độ siêu vượt âm - mức tốc độ gấp 5 lần âm thanh.
Phương tiện lượn cũng có mức độ cơ động cao và có khả năng điều chỉnh hướng đi một cách thất thường trong suốt đường bay, khiến nó khó bị đánh chặn.
Không quân Mỹ tuyên bố mục đích đưa tên lửa ARRW tới đảo Guam là để đào tạo làm quen vũ khí. Họ cũng từng có tuyên bố tương tự trước khi triển khai thử nghiệm ARRW lần gần nhất vào năm 2023, ở sân bay không quân Edwards tại California.
Dữ liệu theo dõi chuyến bay công khai cho thấy, ít nhất 2-3 chiếc máy bay phản lực thương gia Gulfstream chuyên dụng làm Đài Quan sát trên cao (HALO) đang hoạt động từ Guam. Các máy bay HALO trước đây từng được dùng để hỗ trợ những lần thử nghiệm ARRW.
Có khả năng công tác chuẩn bị nói trên tại Bãi thử nghiệm Reagan không phải phục vụ ARRW. Nhưng nếu làm vậy, Không quân Mỹ sẽ tiêu tốn nhiều nguồn lực bất thường chỉ để đưa một trong số ít những quả tên lửa AGM-183A trong kho đến Guam chỉ cho công tác huấn luyện làm quen vũ khí.
Nếu diễn ra, cuộc thử nghiệm ARRW sẽ là lần đầu quân đội Mỹ công khai thể hiện năng lực vũ khí siêu vượt âm thực sự ở cực Tây Thái Bình Dương. Đây sẽ là cuộc phô trương sức mạnh chưa từng có trong khu vực, gửi đi thông điệp chiến lược cho các đối thủ tiềm năng như Trung Quốc, cũng như cho các đồng minh và đối tác.
Quân đội Trung Quốc đã đưa vào biên chế ít nhất một loại tên lửa siêu vượt âm là DF-17 và đang tích cực nghiên cứu nhiều loại tên lửa phóng từ mặt đất, trên không và trên biển khác. Nga cũng đã phát triển và đưa vào sử dụng tên lửa siêu vượt âm của riêng nước này.
Quan chức quân sự Mỹ đã thừa nhận rằng Mỹ tụt hậu trong lĩnh vực vũ khí siêu vượt âm, bao gồm việc phát triển tên lửa siêu vượt âm phóng từ mặt đất và trên biển. Do đó, cuộc thử nghiệm ARRW từ Guam sẽ có ý nghĩa hơn.
VietBF@ sưu tập
|