2/19
Vùng biển thị xã Hoàng Mai và Cửa Lò đang vào mùa cá cơm, mỗi tàu 10-12 ngư dân đánh bắt được 25-50 tấn sau hơn 4 ngày ra khơi, thu về 250-500 triệu đồng.
Từ mùng 5 Tết (ngày 14/2) đến nay, tại cảng cá Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, mỗi ngày có hơn 10 tàu cá công suất 600-1.000 CV về neo đậu với khoang đầy ắp cá cơm. Ngư dân bỏ cá vào khay nhựa, đặt lên thang sắt dài 5 m để vận chuyển từ tàu lên cảng.
Ông Phan Văn Tuy, trú xã Quỳnh Lập, cho biết mùa cá cơm bắt đầu giữa tháng 2, kéo dài đến tháng 5. Tàu ông công suất 800 CV, với 9 lao động, thường đánh bắt cá cơm trắng và cơm bạc ở vịnh Bắc Bộ, cách bờ hơn 100 hải lý.
Một tàu đánh bắt cá cơm cập cảng cá Quỳnh Lập, ngày 18/2. Ảnh: Hùng Lê
Theo ông Tuy, cá cơm sống ở độ sâu 60-100 m, thường đi theo đàn. Khi phát hiện mặt nước có vệt sáng trắng, ngư dân lập tức soi đèn, bủa lưới bao vây luồng cá. Dịp này mỗi chuyến ra khơi 4-5 ngày, tàu ông Tuy bắt được gần 35 tấn cá cơm, gấp 3 lần so với bình thường, bán tại cảng giá 13.000 đồng/kg.
"Sau khi trừ chi phí nhiên liệu và nhân công, tôi lãi gần 300 triệu đồng. Chuyến khởi hành đầu năm như vậy là thắng lớn", ông Tuy nói. Lương tháng trung bình của một lao động khoảng 6 triệu đồng, đợt này ông Tuy thưởng thêm cho mỗi người hơn một triệu đồng nhằm tạo động lực và lấy may.
Ông Trần Đình Ánh, Phó chủ tịch xã Quỳnh Lập, cho biết sau Tết Giáp Thìn, thời tiết thuận lợi, mỗi chuyến ra khơi đánh bắt cá cơm trung bình một tàu bắt được 20-35 tấn, thu về 250-400 triệu đồng. "Tàu đông nhân lực, công suất lớn trên 1.000 CV có thể lãi hơn 500 triệu đồng lúc trúng đậm 50-70 tấn cá cơm, sau khi trừ hết chi phí lời hơn một nửa", ông Ánh nói.
Tại cảng cá Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, 4 hôm nay từ tờ mờ sáng, hàng trăm thương lái, chủ cửa hàng đông lạnh đã lái xe máy, ôtô tải đến gần cầu cảng thu mua cá cơm của các ngư dân đánh bắt bằng thuyền công suất nhỏ dưới 100 CV, cách bờ khoảng 20 hải lý.
Bà Nguyễn Thị Tâm, trú huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết cá cơm đắt hàng sau Tết, vì thế những ngày qua bà luôn huy động thành viên trong gia đình đến cảng cá lân cận gom hàng nhập cho đối tác. "Mỗi buổi sáng tôi mua được hơn 400 kg, trừ chi phí xăng xe lời khoảng 4 triệu đồng", bà Tâm nói.
Theo lãnh đạo phường Nghi Thủy, địa bàn có gần 100 tàu thuyền các loại, chủ yếu đánh bắt gần bờ, mỗi chuyến ra khơi 2-3 ngày. Một tuần qua, mỗi phương tiện bắt được 5-20 tấn cá cơm, nhiều hiếm có so với ngày thường.
Ngư dân tập trung mỗi nhóm 3-5 người phân loại cá cơm tại cảng. Ảnh: Hùng Lê
Mỗi nhóm 3-5 người phân loại cá cơm tại cảng. Ảnh: Hùng Lê
Ngoài nhập cho thương lái, nhiều ngư dân mang cá về nhà cất làm thực phẩm, hoặc lái xe máy, ôtô tải cỡ nhỏ chở đi bán lẻ tại các chợ, nhập cho chủ cửa hàng đông lạnh với giá cao hơn 3.000-5.000 đồng/kg so với bán tại cảng.
Cá cơm thuộc họ cá trổng, sống chủ yếu ở nước mặn, một số loại phân bố vùng nước ngọt và nước lợ cửa sông. Cá dài dưới 15 cm, bơi thành đàn, ăn các loại sinh vật, thực vật phù du. Loại này có thể làm mắm, phơi khô, chế biến nhiều món như kho rim, chiên giòn, nấu canh với dứa hay lá giang.
|
|