Tàu đổ bộ Mặt Trăng SLIM của Nhật hoạt động trở lại và chụp ảnh một khối đá nằm ở gần đó hôm 28/1.
Sau khi hạ cánh trên Mặt Trăng hôm 20/1, Cơ quan Thám hiểm Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) thông báo vấn đề ở pin quang năng khiến tàu đổ bộ của họ không thể sản xuất điện. Tuy nhiên, JAXA đã khôi phục thành công liên lạc với tàu SLIM (Tàu đổ bộ khám phá Mặt Trăng thông minh), đưa tàu hoạt động trở lại, theo thông báo hôm 29/1 trên mạng xã hội X. Họ lập tức bắt đầu các quan sát khoa học với camera quang phổ đa băng tần của tàu đổ bộ. JAXA cũng chia sẻ một bức ảnh chụp một khối đá gần tàu SLIM.
Nhiệm vụ SLIM biến Nhật Bản thành quốc gia thứ 5 hạ cánh nhẹ nhàng trên Mặt Trăng sau Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng khoảng 3 giờ sau khi hạ cánh, JAXA quyết định tắt SLIM với 12% điện còn sót lại để tạo điều kiện khôi phục hoạt động khi góc của Mặt Trời thay đổi. Tàu đổ bộ đạt mục tiêu hạ cánh cách đích 100 m, tiếp đất cách đó 55 m. Độ chính xác đó cao hơn nhiều so với vùng hạ cánh thông thường là vài kilomet.
SLIM hướng tới một miệng hố nơi lớp phủ của Mặt Trăng (lớp ở sâu bên dưới lớp vỏ) được cho là lộ ra mặt đất. Hai thiết bị thăm dò tách khỏi SLIM thành công, một thiết bị mang bộ phát tín hiệu và một thiết bị được thiết kế để lăn trên bề mặt Mặt Trăng và truyền hình ảnh về Trái Đất. Robot tự hành mini có thể thay đổi hình dáng này lớn hơn quả bóng tennis một chút.
Nga, Hàn Quốc và UAE cũng đang tìm cách đáp xuống Mặt Trăng. Trong tháng 1, tàu đổ bộ Mặt Trăng Peregrine của công ty Mỹ Astrobotic bị rò rỉ nhiên liệu sau khi cất cánh, khiến nhiệm vụ thất bại. Nhà chức trách mất liên lạc với con tàu ở khu vực hẻo lánh phía nam Thái Bình Dương, nơi nó nhiều khả năng bốc cháy trong khí quyển Trái Đất. NASA cũng hoãn kế hoạch đưa người tới Mặt Trăng trong chương trình Artemis.
|