Theo như Trung Quốc mới đây đang bơm tương đương với giải phóng 1.000 tỷ nhân dân tệ (CNY), khoảng 139 tỷ USD, cho các NHTM. Chính sách mới áp dụng cứu vớt thị trường chứng khoán lao dốc và kinh tế trì trệ. Mức tiền giải phóng vào nền kinh tế qua lần cắt giảm RRR này tương đương với 3 lần GDP của Việt Nam.
Một người phụ nữ rời khỏi tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 4/11/2020. (Ảnh: Hector Retamal/AFP qua Getty Images)
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tiếp tục cắt giảm 0,5% dự trữ bắt buộc, bơm thêm 139 tỷ USD vào hệ thống. Trung Quốc dường như đang vướng vào bẫy thanh khoản khi chính sách tiền tệ liên tiếp nới lỏng, bơm tiền ồ ạt vào nền kinh tế nhưng niềm tin thị trường vẫn suy giảm, sản xuất và tiêu dùng không phản ứng tích cực với dòng tiền rẻ.
Hôm qua, ngày 24/01/2024, PBOC tuyên bố cắt giảm thêm 50 điểm phần trăm, tương đương với giải phóng 1.000 tỷ nhân dân tệ (CNY), khoảng 139 tỷ USD, cho các NHTM. Chính sách mới áp dụng vào ngày 05/02/2024.
Năm 2023, Trung Quốc đã hai lần (vào tháng Ba và tháng Chín) cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) ở các NHTM, mỗi lần cắt giảm RRR ở mức 25 điểm phần trăm, tương đương với giải phóng 500 tỷ CNY cho các NHTM. Theo tính toán của Reuters, với lượng tiền mặt 500 tỷ CNY được giải phóng ra, số tiền thực bơm vào nền kinh tế gấp 8 lần, tương ứng với 4.000 tỷ CNY.
Ngay những ngày đầu năm 2024, PBOC đã phải tiếp tục cắt giảm RRR xuống thêm 0,5%; tương đương với 8.000 tỷ CNY (hơn 1.000 tỷ USD) bơm vào nền kinh tế. Mức tiền giải phóng vào nền kinh tế qua lần cắt giảm RRR này tương đương với 3 lần GDP của Việt Nam.
Việc cắt giảm RRR lần này được cho là để cứu vớt thị trường chứng khoán đang lao dốc. Trong một năm qua, chỉ số chứng khoán CSI 300 (300 doanh nghiệp vốn hoá lớn nhất trên sàn giao dịch Thượng Hải) đã mất tới hơn 20% giá trị. Tính chung, chỉ số chứng khoán Thượng Hải mất 11,11% giá trị.
Chỉ số chứng khoán của Trung Quốc tăng 1 -3% sau khi PBOC bơm thanh khoản. So với cùng kỳ 2023, chỉ số chứng khoán Thượng Hải mất 11,1% (Nguồn: Ảnh chụp màn hình từ trang Trading Economics).
Việc tuyên bố bơm tiền vào nền kinh tế giúp chứng khoán Trung Quốc trong ngày hôm nay (25/01/2024) tăng mạnh. Tuy nhiên, phiên giao dịch trong ngày sau tin tức cắt giảm RRR chưa phản ánh xu hướng đảo chiều của thị trường.
PBOC tiếp tục bơm tiền mạnh tay cho NHTM trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp phát triển bất động sản (BĐS) phá sản, giá BĐS tiếp tục lao dốc, niềm tin tiêu dùng và kinh doanh suy giảm mạnh do giảm phát cho thấy các chính sách tiền tệ nới lỏng dường như không thể phát huy tác dụng như chính quyền kỳ vọng. Rất có thể bẫy thanh khoản ở Trung Quốc đã và đang dần hình thành.
Bẫy thanh khoản là hiện tượng kinh tế trong đó chính sách tiền tệ được nới lỏng bằng biện pháp giảm lãi suất để rồi lãi suất xuống thấp quá một mức nhất định, khiến cho mọi người quyết định giữ tài sản của mình dưới dạng tiền mặt và chính sách tiền tệ trở nên bất lực. Thực tế, nhu cầu tín dụng của Trung Quốc liên tục suy giảm. Tháng 12/2023 nhu cầu tín dụng của Trung Quốc giảm 16% so với tháng trước.