Thay vì chia nhỏ thức ăn thành nhiều bữa trong cả ngày, nghiên cứu mới chỉ ra việc "ăn dồn" vào một số giờ trong ngày mới là mới là có lợi cho sức khỏe, nhất là với người tiểu đường, béo phì.
Một nghiên cứu vừa được trình bày hôm 15-6 tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Nội tiết Mỹ ở Chicago cho thấy một phương pháp gọi là "ăn giới hạn trong thời gian đầu" đã cải thiện sự dao động của lượng đường trong máu rất hiệu quả.
Trước đây, người mắc bệnh tiểu đường hay muốn giảm cân thường được khuyên ăn làm nhiều bữa nhỏ, nhưng nhóm khoa học gia dẫn đầu bởi TS-BS Joanne Bruno từ Đại học New York (Mỹ) chỉ ra việc ăn dồn hầu hết thực phẩm vào khoảng 6-8 giờ mới là tốt.
Ăn một bữa sáng và một bữa trưa sớm và no nê trong vòng 6-8 giờ đầu của ngày và ăn thật ít vào chiều - tối có thể giúp bạn no bụng mà vẫn cải thiện được đường huyết (Ảnh minh họa từ MEDICAL XPRESS)
Các tình nguyện viên đã tham gia một nghiên cứu ngẫu nhiên trong đó họ ăn sáng và có thể là thêm bữa trưa sớm hoặc bữa phụ khá nhiều, trong khi ăn ít vào buổi chiều tối, sao cho 80% lượng calo trong ngày được nạp vào trước 13 giờ, hoặc trong vòng 6-8 giờ đầu sau khi thức dậy.
Nhóm đối chứng tham gia mô hình ăn uống thông thường, khoảng 50% lượng calo hàng ngày được tiêu thụ vào chiều tối.
Tất cả họ được tham gia các xét nghiệm liên quan đến khả năng dung nạp glucose vào ngày thứ 7 và ngày thứ 14 sau khi tham gia thử nghiệm.
Với một lượng thức ăn như nhau, người ăn dồn trong 6-8 giờ có đường huyết ổn định hơn hẳn nhóm đối chứng.
Những phát hiện này cho thấy một điều đơn giản như bù qua sớt lại lượng thức ăn vào các bữa trong ngày cũng có thể tạo nên một chiến lược hỗ trợ can thiệp tốt cho bệnh nhân tiểu đường, béo phì; song song với thuốc và cách cải thiện loại thức ăn, lượng thức ăn và tăng cường vận động mà không phải ai cũng làm đủ tốt.
VietBF@sưu tập