Loại rau được nhắc đến ở đây chính là rau cải cúc. Mùa đông chính là thời điểm cây cải cúc phát triển mạnh. Đây không chỉ là loại rau ăn thông thường mà còn được xem như một vị thuốc.
Cải cúc có thể dùng để trị ho, trị đau đầu, giúp hạ huyết áp...
Về dinh dưỡng, rau cải cúc có chứa nhiều thành phần khác nhau, có lợi cho sức khỏe. Theo Bảng thành phần thực phẩm Việt Nam, cải cúc chứa nhiều nước, giàu canxi (100 gram cải cúc có thể cung cấp 63mg canxi). Ngoài ra, loại rau này còn chứa nhiều vitamin C và vitamin nhóm B. Cải cúc chứa nhiều chất xơ, có tác động tốt đến hệ tiêu hóa.
Lưu ý, cải cúc là rau thân mềm, rất nhanh chín vì vậy bạn không nên nấu nó quá lâu, vừa khiến rau bị nát vừa làm mất nhiều dinh dưỡng. Rau cải cúc chỉ nên nấu chín tới để đảm bảo độ ngon ngọt, không bị nồng và giữ được nhiều dưỡng chất nhất có thể.
Một số bài thuốc từ rau cải cúc
- Trị ho: Sử dụng rau cải cúc để nấu canh và dùng trong các bữa ăn có thể giúp hỗ trợ điều trị triệu chứng ho.
- Trị đau đầu, thổ huyết: Dùng cải cúc khô sắc lấy nước uống, mỗi ngày dùng 16 gram.
- Giúp hạ huyết áp: Người bị huyết áp cao ngoài việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ có thể bổ sung cải cúc vào bữa ăn hàng ngày. Có thể dùng cải cúc để nấu ăn dùng trong bữa ăn hoặc nấu nước uống, mỗi lần dùng 50ml, ngày uống 2 lần.
Lưu ý khi dùng rau cải cúc
Rau cải cúc có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe nhưng cần chú ý một số điểm khi sử dụng để tránh mang lại tác dụng phụ không tốt cho cơ thể. Do cải cúc có tính lạnh, chứa nhiều nước nên người bị tiêu chảy, lạnh bụng nên tránh sử dụng loại rau này.
Người huyết áp thấp cũng nên hạn chế ăn cải cúc vì loại rau này có tác dụng hạ huyết áp.
Nên rửa cải cúc nhiều lần với nước sạch để loại bỏ bùn đất cùng các chất bẩn khác bám trên rau. Do rau cải cúc có thân mềm, rất dễ nát nên cần làm nhẹ nhàng, tránh để rau bị nát làm mất nhiều dinh dưỡng.
Rau cải cúc tốt cho sức khỏe nhưng ngay cả người bình thường cũng không nên ăn quá nhiều. Mỗi lần chỉ nên ăn 100-150 gram rau cải cúc, mỗi tuần ăn không quá 3-4 lần.
|