Thời tiết lạnh có thể tác động đáng kể đến cơ bắp, từ đó ảnh hưởng đến hiệu suất vận động và nhiều chức năng tổng thể khác của cơ thể. Khi tiếp xúc với nhiệt độ thấp, cơ bắp của chúng ta có xu hướng co lại và trở nên kém linh hoạt, khiến chúng dễ bị chấn thương hơn.
Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng này là do lưu lượng máu đến cơ giảm khi thời tiết lạnh. Khi phản ứng với nhiệt độ thấp, các mạch máu sẽ co lại. Tình trạng này khiến lượng oxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho các mô cơ sẽ giảm, theo trang sức khỏe Livestrong (Mỹ).
Khi thời tiết lạnh, người tập cần khởi động kỹ để giảm thiểu nguy cơ chấn thương
SHUTTERSTOCK
Hệ quả của phản ứng sinh học này là có thể dẫn đến cứng cơ, giảm phạm vi chuyển động và tăng khả năng bị căng cơ và bong gân. Hơn nữa, thời tiết lạnh cũng có thể ảnh hưởng đến sự phối hợp cơ bắp và thời gian phản ứng.
Nhiệt độ giảm cũng cản trở tốc độ dẫn truyền thần kinh, khiến tín hiệu từ não khó đến được các khối cơ một cách hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến phản xạ chậm hơn và giảm khả năng kiểm soát cơ, làm tăng nguy cơ tai nạn hoặc té ngã.
Hiểu được tác động của thời tiết lạnh lên cơ bắp rất quan trọng vì nó cho phép chúng ta chủ động thực hiện các biện pháp để ngăn ngừa chấn thương và duy trì hiệu suất tối ưu. Nhờ có phương pháp tập luyện phù hợp, người tập có thể đảm bảo cơ bắp vận động khỏe mạnh và dẻo dai trong những tháng nhiệt độ xuống thấp.
Điều quan trọng với những người tham gia các hoạt động thể chất hoặc tập thể dục trong thời tiết lạnh là phải có biện pháp phòng ngừa bổ sung. Đặc biệt, những người tập thể dục buổi sáng cần hết sức chú ý vì đây là một trong những thời điểm lạnh nhất trong ngày.
Điều trước tiên cần phải thực hiện là khởi động kỹ trước khi tập, nhất là tập ngoài trời. Các động tác giãn cơ sẽ tập trung vào việc thả lỏng cơ và tăng lưu lượng máu. Quá trình này đặc biệt có lợi. Các động tác như xoay khớp cổ tay, chân, lưng và chạy bộ tại chỗ sẽ giúp cơ xương sẵn sàng cho quá trình tập luyện.
Ngoài ra, chọn quần áo phù hợp cũng hết sức quan trọng khi. Mặc quần áo nhiều lớp, giữ ấm sẽ giúp điều chỉnh thân nhiệt. Tùy vào điều kiện nhiệt độ, cường độ tập mà chúng ta có thể mặc thêm hay cởi bớt khi cơ thể đã nóng lên.
Uống đủ nước cũng là một yếu tố quan trọng khác khi tập luyện trong nhiệt độ lạnh. Cơ thể đủ nước sẽ giúp duy trì chức năng cơ bắp và ngăn ngừa chuột rút hoặc cứng khớp do mất nước. Trong quá trình tập, hãy uống đều đặn mỗi lần một ít nước nước, cứ khoảng 10 phút/lần ngay cả khi không khát, theo Livestrong.
VietBF@sưu tập