Niklaus Emil Wirth sinh ngày 15.2.1934 tại Winterthur, ngoại ô Zurich. Năm 1959, ông nhận bằng cử nhân từ Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sĩ, nơi sau này ông trở lại và thực hiện phần lớn việc nghiên cứu của mình. Ông nhận bằng thạc sĩ tại Đại học Laval (Canada) năm 1960 và bằng tiến sĩ tại Đại học California, Berkeley (Mỹ) năm 1963. Ông dành 4 năm tiếp theo làm trợ lý giáo sư về khoa học máy tính tại Đại học Stanford (Mỹ). Trong thời gian này, ông làm việc trên hai ngôn ngữ lập trình đầu tiên của mình gồm Euler (phát hành năm 1965) và PL/360 (phát hành năm 1968).
Ông Wirth được mời vào nhóm phát triển ngôn ngữ lập trình thay thế ALGOL 60. Cùng với nhà khoa học người Anh Tony Hoare, ông đã chuẩn bị dự án ALGOL-W, nhưng dự án này bị từ chối để chuyển sang dự án ALGOL-68 phức tạp hơn. Wirth sau đó tiếp tục công việc của mình và xuất bản ngôn ngữ lập trình riêng có tên Pascal vào năm 1970, ngôn ngữ này ít tương thích hơn với ALGOL. Sau đó, ảnh hưởng của ALGOL bắt đầu suy yếu và Pascal tiếp tục phát triển cho đến ngày nay. Sự phức tạp của ALGOL-68 đã mở ra khả năng cho các ngôn ngữ C và C++ đơn giản hơn. Năm 1976, Wirth phát hành ngôn ngữ lập trình Modula, ngôn ngữ này được thay thế bằng Modula-2 một năm sau đó.
Vào nửa cuối thập niên 1980, sau khi trở về Zurich từ Mỹ, Wirth bắt đầu thực hiện dự án Oberon - một ngôn ngữ lập trình và hệ điều hành khác cùng tên.
Ông Wirth cũng được biết đến với “Định luật Wirth” khi cho biết: “Tốc độ tiến hóa của phần cứng không bằng tốc độ thoái hóa của phần mềm”. Ông nghỉ hưu vào năm 1999 và phiên bản mới nhất của Oberon OS 2.3.6 được phát hành vào năm 2000. Năm 2013, ngay trước sinh nhật của mình, ông đã phát hành phiên bản cập nhật của dự án Oberon.
Trong công việc cũng như trong các ngôn ngữ lập trình và công cụ do mình tạo ra, ông Wirth kêu gọi phát triển phần mềm nhỏ hơn, hiệu quả hơn.
|