Người bệnh tiểu đường có thể uống trà không đường, nước ép trái cây, rượu nhưng với lượng ít để không ảnh hưởng đến đường huyết.
Nước ép trái cây nguyên chất: Thỉnh thoảng người bệnh tiểu đường có thể thưởng thức một ly nước ép trái cây nguyên chất, từ 118 đến 180 ml. Nên tính lượng carbohydrate (carb) của đồ uống này vào tổng lượng carb bữa ăn (từ 45 đến 60 g) vì nước trái cây có thể làm lượng đường trong máu tăng sau khi tiêu thụ.
Trà không đường: Nghiên cứu năm 2021 của Trường Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, trên 500.000 người, cho thấy trà không đường, nhất là trà xanh làm giảm khả năng mắc tiểu đường type 2.
Người bệnh nên uống trà không đường lượng vừa phải. Loại trà này chứa caffeine có thể ảnh hưởng đến đường huyết nếu tiêu thụ quá nhiều.
Cà phê không đường: Người bệnh tiểu đường nên cà phê đen có chừng mực. Caffeine trong cà phê đen có thể làm giảm độ nhạy của hormone insulin, không tốt cho quản lý bệnh.
Nếu muốn tăng hương vị, bạn có thể thêm sữa hay kem vào đồ uống nhưng rất ít để tránh làm tăng đường huyết, không vượt quá tổng mức carb trong ngày.
Đồ uống có chất ngọt nhân tạo: Soda ăn kiêng, nước ngọt không calo, nước có hương vị không đường là giải pháp thay thế đồ uống có đường. Chúng hỗ trợ kiểm soát đường huyết và cân nặng do không có carb và lượng calo thấp, giúp giảm calo nạp vào.
Tuy nhiên, nên uống vừa phải do chúng chứa chất làm ngọt nhân tạo. Theo nghiên cứu năm 2019 của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, Mỹ và một số đơn vị, trên hơn 192.000 người, tiêu thụ nhiều đồ uống có chất làm ngọt nhân tạo tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2. Chất làm ngọt nhân tạo cũng có thể gây ra thay đổi trong não dẫn đến ăn quá nhiều, tăng cân.
Rượu: Bệnh nhân tiểu đường nên tránh sử dụng rượu. Theo Hiệp hội Tiểu đường Mỹ, nếu người bệnh uống rượu thì chỉ dùng lượng nhỏ, vì rượu có thể làm biến động lượng đường trong máu. Cụ thể, tối đa một ly đối với nữ và hai ly đối với nam giới mỗi ngày. Một ly tương đương 44 ml rượu chưng cất, 355 ml bia hoặc 148 ml rượu vang.