Giấc ngủ và việc kiểm soát đường huyết có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bằng cách chăm sóc giấc ngủ đúng cách, người bị tiểu đường không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Ngủ đủ giấc đóng vai trò rất quan trọng để duy trì quá trình chuyển hóa đường glucose trong máu một cách lành mạnh. Vì trong khi ngủ, cơ thể sẽ sản sinh ra các hoóc môn giúp điều chỉnh quá trình chuyển hóa này, trong đó có cả insulin, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Thiếu ngủ khiến việc kiểm soát đường huyết sẽ trở nên khó khăn hơn
SHUTTERSTOCK
Quá trình chuyển hóa đường glucose sẽ giúp vận chuyển glucose từ máu vào tế bào để cung cấp năng lượng cho tế bào hoạt động. Thiếu ngủ được chứng minh sẽ làm suy giảm quá trình chuyển hóa glucose, khiến cơ thể muốn chuyển hóa cùng một lượng đường glucose nhưng phải tiết ra nhiều insulin hơn.
Đây là tình trạng kháng insulin, xảy ra khi các tế bào của cơ thể trở nên kém phản ứng với insulin. Hệ quả làm khiến đường huyết tăng cao. Do đó, ở người khoẻ mạnh, ngủ đủ giấc đóng vai trò quan trọng giúp kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa tiểu đường.
Trong khi đó, với những người đã mắc tiểu đường, thiếu ngủ cũng sẽ khiến đường huyết tăng cao và trở nên khó kiểm soát hơn. Bằng cách chăm sóc giấc ngủ và ngủ đủ giấc, mọi người có thể hỗ trợ quá trình chuyển hóa glucose lành mạnh và giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Để cải thiện giấc ngủ, mọi người cần có thói quen ngủ đều đặn để thiết lập đồng hồ sinh học trong cơ thể. Các chuyên gia khuyến cáo nên đi ngủ và thức dậy vào những khung giờ cố định. Nhờ đó, khả năng điều hòa lượng đường glucose trong máu sẽ được cải thiện.
Ngoài ra, thói quen ngủ đều đặn này cũng có thể giúp giảm căng thẳng và thư giãn, từ đó góp phần kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Những người mắc bệnh tiểu đường nên ngủ từ 7-8 tiếng/đêm.
Giải quyết các vấn đề sức khỏe hoặc rối loạn giấc ngủ tiềm ẩn cũng là phương pháp quan trọng để cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết. Các rối loạn giấc ngủ như ngưng thở khi ngủ có liên quan đến tình trạng kháng insulin và không dung nạp đường glucose. Điều trị các tình trạng tiềm ẩn này sẽ giúp cải thiện chất lượng và thời gian ngủ, từ đó góp phần kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn. Bệnh nhân tiểu đường nên trao đổi với bác sĩ những vấn đề về giấc ngủ để được đánh giá và điều trị phù hợp, theo Medical News Today.
VietBF@sưu tập