Trà xanh, nước cam, rau má… là những thức uống mát, dễ làm, giúp nhiệt miệng nhanh khỏi.
Nguyên nhân gây ra nhiệt miệng chủ yếu do cơ thể bị nóng trong, hệ miễn dịch, chức năng gan bị suy giảm. Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin và khoáng chất, nhiễm khuẩn ở khoang miệng cũng khiến người lớn, trẻ em dễ nhiệt miệng. Ngoài chú trọng chăm sóc răng miệng, bổ sung các chất dinh dưỡng thì bạn có thể chọn những thức uống có lợi, hỗ trợ giảm nhiệt.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết có rất nhiều thức uống có thể làm giảm hoặc chữa nhiệt miệng. Tuy nhiên khi chọn các loại nước uống làm mát cần biết cách pha và những lưu ý để nước uống đem lại hiệu quả mà không gây ra tác dụng phụ.
Trà xanh
Uống nước trà xanh hàng ngày có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, đồng thời có tác dụng bảo vệ răng miệng nhờ vào chất chống oxy hóa. Hoạt chất chống oxy hóa trong trà xanh còn có tác dụng ngăn phát tán virus.
Theo bác sĩ Duy Tùng, người trưởng thành có thể dùng 2-3 cốc trà xanh mỗi ngày sẽ rất có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên lạm dụng, uống quá nhiều hoặc đun quá đặc sẽ gây tác dụng ngược đối với những người dễ bị nhạy cảm. Sau khi uống trà cần súc miệng lại bằng nước lọc để tránh bị vàng răng. Không uống trà pha quá đặc, pha qua đêm, đã pha hai nước. Không uống sau 16 giờ dễ gây mất ngủ và không uống lúc đói dễ khiến bụng cồn cào.
Trà xanh có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Ảnh: Freepik.
Nước cam
Khi nhiệt miệng, nhiều người thường chọn nước cam bởi chúng có hàm lượng vitamin C cao, có lợi trong việc thúc đẩy hệ thống miễn dịch, chống oxy hóa, kháng viêm. Nước cam còn chứa chất folate, loại vitamin B đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành của các tế bào mới, thúc đẩy quá trình làm lành các vết thương, vết lở loét. Với đặc tính này, nước cam rất có ích khi bị nóng trong người. Bạn có thể thêm một chút đường nếu như nước cam quá chua và uống một lần mỗi ngày để khắc phục sớm tình trạng khó chịu này.
Nhân trần
Nhân trần vị hơi đắng, tính hơi hàn, có công dụng thanh nhiệt, lợi mật, tiểu tiện bất lợi, viêm loét da do phong thấp. Nếu mắc chứng nhiệt miệng có thể uống nước nhân trần pha nước lọc có chút mật ong để uống. Tuy nhiên, người trưởng thành không nên uống quá nhiều nhân trần hằng ngày. Do nhân trần có tác dụng lợi tiểu, có khả năng đào thải nhiều nước và các chất dinh dưỡng ra ngoài. Tình trạng này kéo dài khiến bạn dễ mất nước và mệt mỏi.
Bột sắn dây
Theo Đông Y, bột sắn dây có vị ngọt, mát, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, làm dịu mát cơ thể nhanh chóng. Những người bị nhiệt miệng có thể dùng 10-15 gram mỗi ngày. Tùy theo thể trạng và tuổi của từng người, có thể giảm hoặc tăng thêm liều dùng. Bạn có thể pha bột với nước đun sôi để nguội, có thể thêm một chút đường hoặc nước cốt chanh để tăng hương vị, tuy nhiên, không cho đường là tốt nhất. Trẻ em thì nên cho uống chín.
Bột sắn dây có tính hàn nên không uống quá một cốc mỗi ngày. Bạn nên pha bột sắn với nước nóng để làm chín, giảm tính hàn, tránh đau bụng.
Rau má
Rau má thuộc họ hoa tán có tính hàn, khả năng làm mát cơ thể. Trong cây rau má có chứa chất triterpenoids, có tác dụng làm lành vết thương, vết lở loét rất nhanh, tăng cường chất chống oxy hóa tại vị trí vết thương, vết lở loét. Nếu bị nhiệt miệng thì bạn có thể giã nhuyễn rau má, vắt lấy nước uống, sử dụng đều đặn hằng ngày, tình trạng bệnh sẽ phục hồi nhanh chóng. Lưu ý không nên sử dụng rau má quá 6 tuần và không nên dùng cho người có tiền sử mắc bệnh gan, ung thư.
Rau diếp cá
Rau diếp cá có vị cay, hơi lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng. Loại rau này cũng có tính kháng khuẩn, tiêu diệt ký sinh trùng nên có tác dụng trong việc điều trị nhiệt miệng. Bạn có thể giã nhuyễn, vắt lấy nước uống hoặc xay làm sinh tố, ăn cả bã rau diếp cá sẽ rất tốt cho việc điều trị và làm mát cơ thể.
Duy trì mỗi ngày một cốc nước ép rau diếp cá, tình trạng nhiệt miệng sẽ được cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, rau diếp cá có mùi hơi tanh nên bạn cân nhắc trước khi dùng loại nước ép này.
Nước ép cà chua
Cà chua có tính bình, vị chua, hơi ngọt có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hỗ trợ cải thiện nhiệt miệng. Bạn nên lựa chọn cà chua có nguồn gốc rõ ràng để tránh ăn phải cà chua có phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng.
Nước khế chua
Người bị nhiệt miệng có thể giã khế tươi 2-3 quả, giã nát, đổ ngập nước vào đun sôi, chờ khi nước nguội thì ngậm và nuốt dần, ngậm nhiều lần trong ngày. Người bệnh nên lựa loại khế chua, giúp thanh nhiệt cũng tốt hơn khế ngọt.
Ngoài các loại nước uống trên, người bị nhiệt miệng nên ăn nhiều rau xanh, hoa quả để bổ sung vitamin và khoáng chất (vitamin nhóm B, C, A, kẽm, sắt...) nhằm hạn chế tổn thương niêm mạc và nhanh làm lành vết thương. Thực đơn có thể có các loại thịt như ngan, vịt và các loại cá nước ngọt, ăn nhạt.
Bạn nên lưu ý tăng cường vệ sinh răng miệng để tránh bội nhiễm, hạn chế biến chứng. Người bệnh có thể sử dụng kem đánh răng có tinh chất chiết xuất từ thiên nhiên để hạn chế ảnh hưởng đến niêm mạc miệng, đồng thời có thể làm mát miệng từ bên trong.
VietBF@sưu tập