Với hơn 30 năm kinh nghiệm trồng lúa. Lão nông Trần Văn Triệu được Trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp tỉnh “chọn mặt gửi vàng” trồng 10.000 chậu lúa cho sự kiện Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo. Ông Triệu cho biết:
Từ đầu tháng 9, ngay khi nhận được giống (OM 5451, RVT, Đài thơm 8, OM 18 và ST25), ông cùng một số nông dân khác đã bắt đầu xử lý đất, làm giá thể, xuống giống.
Chia sẻ về quy trình xuống giống, lão nông cho hay, đất trồng lúa được lấy từ ruộng đem về xử lý theo quy trình, phơi nắng cho ải rồi ủ phân hữu cơ. Khi lúa giống ngâm ủ đủ ngày, ông chia đất vào chậu rồi gieo xuống các chậu đã chuẩn bị sẵn.
"Con đường lúa gạo Việt Nam" sẽ là mô hình thể hiện quá trình phát triển ngành trồng lúa Việt Nam từ khi làm nông nghiệp sơ khai, nông nghiệp kinh tế tiểu nông, nông nghiệp thời công nghiệp hóa, nông nghiệp hiện đại 4.0.
Mỗi mô hình thể hiện những gian nhà trưng bày các công cụ, dụng cụ sản xuất lúa, mỗi mô hình còn được thể hiện "trên bến, dưới thuyền" những nét đặc trưng sông nước của người miền Tây Nam bộ trong các thời kỳ.
Lão nông cho biết, số chậu lúa trên được hơn 50 ngày tuổi, một số chậu đã có bông lúa, sẵn sàng cho ngày 11/12 chuyển ra địa điểm trưng bày.
Theo ông Triệu, sau khi nhận giống từ ban tổ chức, vợ chồng ông bắt tay làm giá thể, gieo sạ chăm sóc tỉ mẩn mỗi ngày.
Đất trồng lúa được ông Triệu lấy từ đất đồng, về xử lý theo đúng quy trình, phơi nắng cho ải đất, sau đó ủ phân hữu cơ. Lúa giống ngâm đã đủ ngày, ông chia đất vào chậu rồi gieo thóc giống xuống các chậu đã chuẩn bị sẵn. Mỗi chậu rải 2-3 hạt.
Việc trồng lúa trong chậu lần đầu tiên ông thực hiện nên vấp phải không ít khó khăn. Lúc sạ số lúa trên ngay mùa mưa làm nước ngập chậu, lúa nảy mầm không đều.
Mặt khác, khi bón phân cho 10.000 chậu lúa, ông Triệu phải cẩn thận theo dõi mỗi ngày, quan sát màu lá lúa để xử lý bệnh kịp thời.
Ngoài ra, do lúa ngoài đồng đã thu hoạch hết, nên chuột tìm vào chậu lúa cắn phá rất dữ. Vì thế ông phải dùng lưới vây quanh khu vực trồng lúa.
"Lúc đầu có khó khăn như thế nhưng giờ ổn định rồi, toàn bộ 10.000 chậu lúa lớn đồng đều, mỗi chậu có từ 3 bụi. Với 10.000 chậu lúa này, sản lượng thu hoạch gần 500kg lúa", lão nông Hậu Giang chia sẻ.
Cũng theo ông Triệu, trong số các giống lúa được chọn có giống ST25, được công nhận là gạo ngon nhất thế giới, được ông trồng 500 chậu.
"Tôi rất phấn khởi chờ đến ngày hội vì có thể triển lãm cho người dân xem "Con đường lúa gạo Việt Nam", để mọi người xem được nhiều loại lúa đặc biệt là giống ST25 trổ bông ra sao, cây lúa như thế nào...", ông Triệu vui vẻ chia sẻ.
Do việc sản xuất lúa phục vụ triển lãm ảnh hưởng đến vụ hoa Tết năm 2024 nên khi tham gia mô hình trồng lúa trong chậu, ông Triệu được ban tổ chức hỗ trợ kinh phí 5.000 đồng/chậu. Các chi phí chậu, giống, phân thuốc ông không phải bỏ ra.
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam - Hậu Giang 2023 sẽ diễn ra từ ngày 11-15/12 tại TP Vị Thanh với nhiều hoạt động hấp dẫn như: tổ chức các gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm lúa gạo, sản phẩm OCOP, ẩm thực các món ngon từ gạo, giới thiệu các máy móc, thiết bị, bay phục vụ sản xuất lúa...
“Đến thời điểm này đã có 214 đại biểu thuộc 37 quốc gia trên thế giới xác nhận tham gia Festival. Doanh nghiệp đăng ký 256 gian hàng trưng bày đến nay đã lấp đầy, đồng thời có 60 gian hàng sản phẩm OCOP của 30 tỉnh, thành”, ông Long thông tin.
Trong thời gian diễn ra sự kiện, Hậu Giang cũng tổ chức triển lãm “Con đường lúa gạo Việt Nam”, được sắp đặt với những mô hình bố trí trải dài từ đường Trần Hưng Đạo đến kênh xáng Xà No.
Các mô hình thể hiện quá trình phát triển nghề trồng lúa Việt Nam từ khi làm nông nghiệp: sơ khai, nông nghiệp kinh tế tiểu nông, nông nghiệp thời công nghiệp hóa, nông nghiệp hiện đại 4.0, tái hiện quá trình “trên bến dưới thuyền” của người dân Nam bộ.
Theo ông Long, để triển lãm mô hình Con đường lúa gạo Việt Nam, cần thêm 10.000 chậu lúa, nâng tổng số lên 20.000 chậu. Trong đó, 10.000 chậu do nông dân Trần Văn Triệu trồng, còn lại lấy từ các vùng khác, lúa lấy thêm gồm cả loại chưa chín và chín vàng.