Uống nhiều nước hại thận và dễ bị sỏi thận là hai quan niệm sai lầm phổ biến, theo bác sĩ Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Hà Nội.
Uống nhiều nước hại thận
Nhiều người cho rằng nước đào thải qua thận, uống nhiều nước sẽ tăng gánh nặng cho thận, khiến bộ phận này suy yếu. Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm, theo bác sĩ Phúc.
Thận có hai chức năng chính, một là giữ đủ nước cho cơ thể, hai là bài tiết các chất chuyển hóa. Cơ chế hoạt động của thận như sau: máu từ động mạch đến cầu thận, tại đây lọc ra một lượng lớn nước tiểu có thành phần giống huyết tương. Khi nước tiểu thô này chảy qua ống thận uốn hình chữ U, một số lượng lớn bao gồm nước, đường, các ion sẽ được hấp thu trở lại. Phần còn lại chính là nước tiểu cuối cùng, bao gồm một lượng nước dư thừa do cơ thể không cần đến, cùng với các chất chuyển hóa như ure, acid uric và nhiều chất khác.
Để điều chỉnh lượng nước tái hấp thu ở thận, cơ thể tiết ra một loại hormone ADH chống bài niệu, ADH giúp thận giữ nước, tăng cường tái hấp thu và giảm bài tiết nước tiểu.
Khi bạn uống đủ nước, cơ thể đánh giá không có nguy cơ thiếu nước, sẽ giảm tiết hormone bài niệu ADH, thận sẽ không phải quá vất vả để làm công việc giữ nước. Khi bạn uống ít nước, cơ thể phát hiện nguy cơ thiếu nước nên phải tăng tiết ADH, thận phải làm việc cật lực để giữ nước ở lại. Làm việc nhiều quá, chức năng thận sẽ bị giảm dần, hậu quả cuối cùng là suy thận. Biểu hiện sớm nhất của suy thận là đi tiểu nhiều vào ban đêm.
Bởi vậy, uống nhiều nước sẽ giảm tải cho thận và bảo vệ thận, ngược lại, uống ít nước tăng gánh cho thận và là nguyên nhân gây suy thận.
Uống nhiều nước dễ bị sỏi thận
Nhiều người cho rằng uống nhiều nước dễ bị sỏi thận, thực tế hầu hết bệnh nhân sỏi thận đều không thích uống nước.
Nếu bạn lấy nước tiểu của người uống ít nước, soi trên kính hiển vi, sẽ thấy những hạt hoặc tinh thể. Khi siêu âm cũng thấy rất rõ nước tiểu trong bàng quang lởn vởn đục, thậm chí quan sát thấy tinh thể lấp lánh trôi nổi, những thứ này kết tinh dần lại thành sỏi sẽ làm bạn rất đau.
Ngược lại, với người đã bị sỏi thận hay sỏi niệu quản, khi uống nước nhiều, phân tử nước xuyên qua viên sỏi, nước tạo áp lực đẩy sỏi bật ra ngoài, chưa kể nước cũng hòa tan các chất để không bị lắng đọng thêm, có lợi cho sức khỏe.
Cơ thể con người hơn 70% là nước, bản thân nước chứa 0 calo, 0 đường và 0 chất béo. Nước có thể giúp chúng ta điều hòa nhiệt độ cơ thể, cân bằng dinh dưỡng, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, đào thải độc tố, giảm cân.
Uống nước còn mang đến nhiều lợi ích khác, bao gồm giảm táo bón, giúp bạn làm việc và luyện tập với cường độ cao hơn, cơ thể tràn đầy năng lượng, làn da rạng rỡ, suy nghĩ tỉnh táo, giảm đau đầu.
Vậy mỗi ngày cần uống bao nhiêu nước?
Để duy trì các chức năng sinh lý, cơ thể con người cần khoảng 3.000-4.000 ml nước mỗi ngày, một nửa trong số đó lấy từ thức ăn. Như vậy lượng nước cần uống khoảng 1.500-2.000 ml mỗi ngày, tương đương 8 cốc nước, mỗi cốc 250 ml, tùy từng đối tượng và nhu cầu.
Cách biết cơ thể nhận đủ, thiếu hay thừa nước, bạn quan sát nước tiểu. Nước tiểu trong như nước mưa, không màu, không mùi, tức là bạn uống thừa nước, hãy giảm dần. Nếu nước tiểu trong, hơi vàng nhạt, không bốc mùi là dấu hiệu uống đủ nước. Nước tiểu đục, màu vàng đậm như nước vối hay màu hổ phách, mùi khai tức là bạn chưa uống đủ nước, cần tăng thêm.
Lưu ý, nên uống một ly ly nước buổi sáng để đánh thức cơ thể và giúp loại bỏ độc tố trong đường ruột. Không uống nhiều nước trong bữa ăn, không uống ngay sau bữa ăn mà nên chờ 30 phút, uống vài ngụm nước trước khi đi ngủ.
Đặc biệt, uống nước không phải để làm dịu cơn khát mà để trao đổi chất. Khi não phản ánh cơn khát, cơ thể đã bị mất nước 1% và quá trình trao đổi chất giảm đi. Vì vậy, thỉnh thoảng bạn cần bổ sung nước để duy trì và tăng tốc độ trao đổi chất, đừng đợi khi khát mới uống.
vietBF @ sưu tập