Hạt óc chó, hạnh nhân, đậu phộng giàu chất xơ, chất béo lành mạnh có lợi để kiểm soát đường huyết và phòng bệnh tim.
Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, người tiểu đường có nguy cơ tử vong vì bệnh tim cao gấp đôi người không mắc bệnh. Ăn các loại hạt chứa chất béo lành mạnh có thể giảm cholesterol xấu (LDL), tăng cholesterol tốt (HDL), ngăn ngừa tích tụ mảng bám trong động mạch, giảm khả năng mắc bệnh tim và đột quỵ.
Hạt óc chó giúp tăng cảm giác no, hỗ trợ giảm cân. Theo nghiên cứu năm 2017 của Trung tâm Y tế Beth Israel Deaconess (Mỹ), 20 phụ nữ ăn hạt óc chó mỗi ngày trong một tháng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 thấp hơn phụ nữ dùng giả dược.
Chất xơ, protein và chất béo tốt trong hạt óc chó có thể kiểm soát cơn đói và lượng đường trong máu.
Hạt hạnh nhân giàu chất xơ, giảm khối lượng mỡ trong cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Chất xơ tăng cảm giác no lâu, giữ đường huyết ổn định hơn và tốt cho quá trình tiêu hóa.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, hạnh nhân chứa nhiều magiê. Tăng lượng magiê nạp vào cơ thể có thể thúc đẩy xương khỏe mạnh, huyết áp bình thường, kiểm soát lượng đường trong máu và tốt cho hệ thần kinh. Một khẩu phần vừa phải khoảng 23 hạt hạnh nhân.
Hạt dẻ cười (hồ trăn) có thành phần gồm chất xơ, protein và chất béo lành mạnh. Đánh giá năm 2022 của Trường Đại học Castilla-La Mancha (Tây Ban Nha), dựa trên 5 nghiên cứu, cho thấy quả hồ trăn có đặc tính chữa tiểu đường, cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm viêm, kiểm soát thèm ăn và giảm căng thẳng oxy hóa. Một khẩu phần ăn hợp lý khoảng 45 hạt hồ trăn.
Hạt đậu phộng có hàm lượng chất xơ và protein cao, chỉ số đường huyết thấp nên thân thiện với người bệnh tiểu đường, có khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu.
Nghiên cứu năm 2018 của Trường Đại học Incarnate Word (Mỹ), với 16 người tham gia, cho thấy thêm hai muỗng canh bơ đậu phộng vào bữa ăn giúp ngăn ngừa đường huyết tăng đột biến.
Theo Hiệp hội Tiểu đường Anh, tiêu thụ hạt đậu phộng còn làm hạn chế khả năng phát triển bệnh tim vì giảm cholesterol xấu. Kích thước một khẩu phần vừa phải là khoảng 28 hạt đậu phộng.
Hạt điều làm tăng tỷ lệ cholesterol HDL (cholesterol tốt) và giảm cholesterol LDL (cholesterol xấu), giảm nguy cơ mắc bệnh tim ở người tiểu đường.
Theo nghiên cứu năm 2018 của Đại học Nam Australia, 300 người bệnh tiểu đường được chia thành hai nhóm gồm ăn nhiều hạt điều và không ăn hạt điều. Kết quả nhóm ăn hạt điều có chỉ số huyết áp thấp hơn và cholesterol tốt cao hơn sau 12 tuần. Hạt điều cũng không có tác động tiêu cực đến mức đường huyết, cân nặng của người bệnh.
|