Nhìn tổng thể, loài sên này trông giống một con cừu với bộ lông dày và mềm mại.
Cừu lá là loài động vật hiếm hoi có khả năng quang hợp như thực vật, có tên khoa học là Costasiella kuroshimae, trong đó Kuroshimae bắt nguồn từ hòn đảo Kuroshima của Nhật Bản - nơi lần đầu tiên phát hiện ra cừu lá năm 1993. Cừu lá thường xuất hiện và sinh sống ở các rạn san hô ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, Indonesia và Philippines.
Ảnh: Alex Mustard
Cừu lá thực chất là một loài sên biển - một thuật ngữ mô tả động vật không xương sống ở biển. Cừu lá có hình dạng rất nhỏ, chỉ dài hơn khoảng 5mm một chút. Nhìn tổng thể, loài sên này trông giống một con cừu với bộ lông dày và mềm mại.
Cơ thể của cừu lá được bao phủ bởi một số lông nhọn trông giống những chiếc lá nhỏ, có đầu màu hồng nhạt và các chấm màu xanh lá cây.
Cừu lá có hai tai nhỏ trông giống cừu, thực chất đây chính là cơ quản giúp cừu lá có thể cảm thụ mùi hương và vị giác. Phần lông trên cơ thể giúp chúng cảm nhận được các chất hóa học trong nước, từ đó có thể tìm kiếm nguồn thức ăn.
Đặc tính nổi bật nhất của cừu lá chính là khả năng quang hợp như thực vật. Chế độ ăn chính của cừu biển là tảo biển. Khi cừu lá ăn tảo, chúng sẽ hút lục lạp khỏi tảo, lấy tảo làm thức ăn và giữ lại các lạp thể để sử dụng cho quá trình quang hợp.
Sau một thời gian, các lạp thể này sẽ bị tiêu hóa đi. Quá trình này gọi là kleptoplasty, cho phép cừu lá thực hiện quang hợp và đó là lý do tại sao lá của cừu như phát sáng. Nhờ quá trình này mà cừu lá trở thành sinh vật mang năng lượng mặt trời.
Lí do vì sao cừu lá có khả năng quang hợp như thực vật vẫn là một bí ẩn với các nhà khoa học, mặc dù một số chuyên gia tin rằng khả năng này chủ yếu liên quan đến quá trình tiến hóa của loài sên biển này.